Đại diện Sở TN&MT thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Đây là hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ “Tuyên truyền hướng dẫn thông tin về KTTV, tác động và các biện pháp ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hội nghị nhằm thông tin về tình hình BĐKH, những tác động đến các ngành kinh tế, đến con người và các giải pháp ứng phó trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, tuyên truyền kiến thức cơ bản về Luật Khí tượng thuỷ văn, những thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về KTTV.
Tại Hội nghị, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Là một thành phố lớn và đang trong quá trình phát triển mạnh, Thủ đô Hà Nội đặc biệt dễ bị tổn thương bởi BĐKH. Đặc biệt trong những năm gần đây, sự gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan như bão, gió lốc, hạn hán và mưa lớn gây ngập cục bộ đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, sản xuất, đời sống của người dân.
Ở khu vực đô thị, bão và gió lốc đặc biệt nguy hiểm và có thể gây thương vong vì đường dây điện, các bảng quảng cáo và vật liệu, thiết bị xây dựng gần các nhà cao tầng và công trường xây dựng rơi xuống… Dưới tác động của BĐKH và đô thị hoá gia tăng, các nhà cao tầng làm từ bê tông, kính thép và mặt đương nhựa, bê tông gây tăng bức xạ, hấp thụ nhiệt bề mặt sẽ ngày càng làm nghiêm trọng hoá vấn đề gia tăng nhiệt độ ở các thành phố như Hà Nội, đặc biệt ở khu vực trung tâm thành phố. Kết hợp với tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm ngày càng phổ biến ở khu vực nội đô Hà Nội, điều này có thể ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng và lâu dài đến sức khoẻ người dân nói chung và người lao động nói riêng ở Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị
Về giải pháp, hiện thành phố Hà Nội đã tiến hành lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố. Việc tích hợp được tiến hành dựa trên Quyết định 187/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT ngày 21/2/2013 nhằm hỗ trợ lồng ghép NAMAs vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kết hoạch phát triển của các Bộ ngành, địa phương; Quyết định 1485/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 17/10/2013 ban hành Khung hướng dẫn lựa chọn ưu tiên thích ứng với BĐKH trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; gần đây nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã dành một chương về BĐKH cùng những yêu cầu phải cân nhắc vấn đề BĐKH trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển.
Tại Hội nghị, cán bộ Đảng ủy, UBND các quận, huyện, phường được các chuyên gia phổ biến về các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ phổ trong nhiều lĩnh vực nông – lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, GTVT… hiệu quả và đang được áp dụng trên địa bàn thành phố. Theo ThS. Phạm Thị Tuyết Mây, Trung tâm Công nghệ ứng phó BĐKH: TP nên tập trung cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí đốt trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; Tăng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo thay thế; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng điện tiết kiệm trong công sở và trong sinh hoạt đời sống thường ngày của gia đình; Sử dụng thiết bị chiếu sáng và thiết bị điện hiệu quả hơn và tiết kiệm ở cơ quan, công sở… quy định sử dụng điện hợp lý hơn trong các tòa nhà ở và tòa nhà thương mại…
Các đại biểu cũng nghe phổ biến về Luật KTTV mới ban hành, những định hướng về tuyên truyền phổ biến và lồng ghép các vấn đề KTTV&BĐKH trong thời gian tới, nhằm giúp thực hiện đúng chủ trương và có biện pháp tăng cường các giải pháp thực hiện trong công tác quản lý nhà nước về KTTV&BĐKH.
Khánh Ly
Nguồn: Monre