Để nghiên cứu, vận dụng các mô hình phòng chống hạn mặn này tại Bến Tre, ngày 14/11, Đoàn công tác của tỉnh Bến Tre do ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi tham quan mô hình ngăn mặn của Hậu Giang.
Cụ thể, Đoàn đã tiến hành tham quan tại 2 trong số nhiều đập thời vụ ngăn mặn (ở gần cầu Hóc Hỏa, thuộc ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến) được cho là sáng kiến mang lại nhiều hiệu quả không chỉ giúp người dân hạn chế thiệt hại do mặn, mà còn góp phần giảm kinh phí đầu tư cho Nhà nước của thành phố Vị Thanh. Tại đây, Đoàn được nghe các ngành chức năng của địa phương giới thiệu về quy mô, cách thức làm và nguồn kinh phí thực hiện công trình. Sau khi tham quan các công trình, Đoàn công tác của tỉnh Bến Tre sẽ nghiên cứu để có thể vận dụng tại địa phương nhằm phòng, chống xâm nhập mặn sắp tới.
Riêng tại Hậu Giang, để chủ động phòng, chống hạn mặn trong mùa Đông xuân 2016-2017, Hè thu 2017 và phát huy hiệu quả các mô hình đã có, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vừa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiến hành xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn; tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt ứng phó với xâm nhập mặn.
Theo đó, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện, dầu, các tuyến kênh cấp 1, cấp 2... có kế hoạch nâng cấp sửa chữa để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại... Đồng thời, tổ chức rà soát số hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế tại địa phương. Triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh.
L.Nhi