Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Dự báo diễn biến về hạn hán, xâm nhập mặn và bão
Ngày đăng: 03/11/2016
Thời gian qua, Trung tâm Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia luôn theo dõi sát và ra các tin cảnh báo, dự báo hạn hán, xâm nhập mặn kịp thời gửi đến các cơ quan, các ban ngành chức năng và người dân từ trước và trong mùa mưa năm 2015. Hiện nay, do nhận định nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ trong mùa khô 2016-2017, ngoài các bản tin nhận định mùa được phát hành định kỳ, ngày 15 tháng 9 năm 2016, Trung tâm đã phát bản tin nhận định tình mùa lũ năm 2016 và hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2017 cho khu vực Nam Bộ.

Diễn biến về hạn hán, xâm nhập mặn và bão

 

Theo báo cáo từ Trung tâm KTTV quốc gia, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên do thiếu hụt lớn về lượng mưa nên trong mùa khô năm 2015-2016 đã xuất hiện một đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt gay gắt tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, KonTum, Gia Lai và ĐắkLắc. Mực nước trên nhiều sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên liên tục suy giảm, tại nhiều trạm mực nước đã xuống mức thấp nhất lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 30-60%, một số sông ở Nam Trung Bộ thiếu hụt từ 80-95%.

Khu vực Nam Bộ mùa khô năm 2016 dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công về Đồng bằng Sông Cửu Long đã xuống mức rất thấp. Trong 5 tháng đầu năm, xâm nhập mặn diễn ra sớm và lấn sâu hơn vào vùng cửa sông so với 2015 và TBNN. Độ mặn tại một số trạm vùng cửa sông lên tới 30g/l (cao hơn từ 4-14g/l so với TBNN), xâm nhập mặn đã lấn sâu trên 100 km ở khu vực sông Vàm Cỏ (vào sâu hơn TBNN từ 20-30 km); 65 km ở các cửa sông Tiền (sâu hơn TBNN từ 20-25 km); 60 km ở các cửa sông Hậu (sâu hơn TBNN từ 15-20 km); 65 km ở ven biển Tây (sâu hơn TBNN từ 5-10 km).

Từ đầu năm đến nay, đã có 03 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và 06 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp và 1 cơn bão ảnh hưởng gián tiếp đến nước ta, cụ thể: Cơn bão số 1 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Nam Định-Ninh Bình gây gió mạnh cấp 8-9 ở tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, vùng ven biển cấp 10, giật cấp 10-13; Cơn bão số 3 đổ bộ vào khu vực Hải Phòng-Thái Bình với sức gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 11-12; Cơn bão số 4 đổ bộ vào khu vực giữa 2 tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.

Riêng cơn bão số 2 không ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhưng do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 2 đã gây mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ; tại Bát Xát, Sa Pa, thành phố Lào Cai đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng.

Dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn và bão trong thời gian tới

Trung tâm KTTV quốc gia luôn theo dõi sát và ra các tin cảnh báo, dự báo hạn hán, xâm nhập mặn kịp thời gửi đến các cơ quan, các ban ngành chức năng và người dân từ trước và trong mùa mưa năm 2015. Hiện nay, do nhận định nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ trong mùa khô 2016-2017, ngoài các bản tin nhận định mùa được phát hành định kỳ, ngày 15 tháng 9 năm 2016 Trung tâm đã phát bản tin nhận định tình mùa lũ năm 2016 và hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2017 cho khu vực Nam Bộ.

Trung tâm KTTV quốc gia đã tổ chức theo dõi chặt chẽ sự hình thành và phát triển các cơn bão, ATNĐ từ khi còn là một vùng áp thấp. Phát và truyền các bản tin dự báo bão, ATNĐ kịp thời theo đúng Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

Hầu hết các cơn bão được dự báo tương đối sát với thực tế. Tuy nhiên, trong cơn bão số 1, do chưa nhận định được sự di chuyển chậm lại của cơn bão khi vào gần bờ nên chưa cảnh báo được sự mạnh lên của cơn bão và thời gian duy trì gió mạnh trên đất liền ở các tỉnh Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình. Trong các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất chưa dự báo chi tiết được đến phạm vi nhỏ, đặc biệt là đối với những hiện tượng thiên tai cực đoan như mưa lớn cục bộ, lũ quét, tố lốc, vòi rồng.

Để nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, cần thiết phải tăng cường đầu tư cho xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công nghệ dự báo, năng lực chuyên môn, đặc biệt là xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ dụng mô hình dự báo bão của Việt Nam; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tăng cường công tác tuyên truyền về công tác KTTV nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai như bão, lũ, lũ quét, hạn hạn, xâm nhập mặncủa các cấp chính quyền và nhân dân; tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên; tăng cường các quan trắc KTTV trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp, các trạm quan trắc cao không, ra đa.

CTTĐT

Nguồn: Monre
Các tin khác