Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Đắk Lắk: Cuộc chiến chống hạn ngày càng khốc liệt
Ngày đăng: 16/04/2016
Càng về những ngày cuối mùa khô, hạn hán tại Đắk Lắk càng diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vẫn đang diễn biến trên diện rộng. Người dân và chính quyền các cấp tại Đắk Lắk đang “lay lắt” trong cuộc chiến chống chọi với “cơn khát lịch sử”.

 
Phần lớn các hồ đập thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã khô cạn

Sông khô, người khát

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Đắk Lắk, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức rất thấp, lượng dòng chảy so với trung bình nhiều năm thiếu hụt phổ biến từ 60 - 75%. Nhiều sông lớn ở địa bàn các huyện Krông Năng, Ea H’leo và các sông suối nhỏ trên toàn tỉnh hiện đã không còn dòng chảy. Mực nước ngầm cũng giảm mạnh do bị khai thác quá sâu, trung bình giảm từ 3 - 6m so với cùng kỳ năm 2015.

Toàn tỉnh có 770 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ nhưng phần lớn các đập dâng không đảm bảo năng lực thiết kế do dòng chảy bị thiếu hụt. Mặc dù 3 hồ chứa lớn trên địa bàn là Ea Súp thượng, Krông Búk hạ, Buôn Yong vẫn còn khoảng 134,6 triệu m3 nhưngcó hồ lại không thể điều tiết nước phục vụ cho các vùng hạn khác. Mực nước các sông trên địa bàn đã xuống rất thấp, dòng chảy của các suối cạn kiệt và có 168 hồ chứa thủy lợi đãhoàn toàn khô cạn (tăng 69 hồ so với cùng kỳ).

Do mực nước tại các sông suối, hồ đập và nước ngầm giảm mạnh, hàng chục ngàn hộ dân tại Đắk Lắk đang phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Từ sau Tết Nguyên đán 2016 tới nay, ngày nào anh YBlưm (buôn Tung Tah, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) cũng phải chạy xe máy cày từ nhà đi cả chục cây số để chở nước về dùng. “Nước ở suối hết, mấy nhà trong buôn cũng gom tiền lại để thuê người đào giếng. Nhưng giếng chẳng có nước nên mình phải đánh máy cày 2-3 lần/ngày để đi xin, đi mua nước về nấu nướng, tắm giặt. Ban đầu thì họ cho gần đây nước ngày càng hiếm nên mình phải mua với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/m3” - anh Y Blưm chia sẻ.

Người dân ở huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) phải đi mua nước về sinh hoạt

Theo ông Mai Trọng Dũng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, đã có hàng ngàn hộ dân tại nhiều huyện trong tỉnh như Ea H’leo, Krông Búk, Krông Ana, Cư M’gar... phải đi xa để xin, thậm chí mua nước sinh hoạt về dùng. Hiện toàn tỉnh có 25.136 hộ dân thiếu nước sinh hoạt (tăng so với cùng kỳ 11.837 hộ) và dự kiến sẽ có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt vào cuối tháng 4/2016.

Cây chết, vật nuôi toi

Gần 1 tháng nay, vườn cà phê của gia đình ông Trần Văn Quang (thôn Thạch Sơn, xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar) đã không còn nước tưới. Mặc dù đã ngăn suối, múc hồ, thậm chí khoan giếng nhưng ông Quang vẫn không thể “mót” được nước tưới cây. “Nhiều cây cà phê trong vườn đã chết cháy và phần lớn số còn lại đang khô héo từng ngày. Giờ chúng tôi bất lực rồi, ngày đêm mong ông trời cho mưa chứ không thì vụ này mất trắng” - ông Quang xót xa.

Cùng cảnh ngộ tương tự, từ sau Tết tới nay, 3 sào lúa nước của bà Jă Thoát (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) đã không còn nước tưới. Chẳng có tiền đào giếng, sống suối, hồ đập cũng khô cạn nên gia đình bà Jă Thoát đành bất lực nhìn lúa chết dần. Vụ lúa Đông xuân 2015 - 2016 này, gia đình bà Jă Thoát và hàng chục hộ dân xã Cư Pơngđã mất trắng.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Đắk Lắkđã có 42.364ha cây trồng bị hạn (trong đó có 6.148ha mất trắng), thiệt hại ước tính 1.312 tỷ đồng. Theo nhận định của Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong tháng 4/2016, thời tiết nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra, khô hạn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trên diện rộng. Dự kiến khô hạn nghiêm trọng có thể kéo dài đến giữa tháng 5/2016 và có khoảng 80.000ha cây trồng (70.000ha cà phê, 10.000ha cây ngắn ngày) bị hạn.

Nguồn nước thiếu hụt cũng làm cho vật nuôi ở một số địa phương lâm vào cảnh thiếu nước uống, thiếu thức ăn. Theo ông Nguyễn Ngọc Phú - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp, tính đến ngày 13/4, toàn huyện có 109 con gia cầm và 91 con gia súc chết. Số gia súc đã chết đều ở 2 xã Ia R’vê (21 con bò, 2 con trâu và 2 con dê) và Ia Lốp (84 con trâu, bò). “Do nguồn nước ở 2 xã này thiếu hụt, thức ăn không đủ nên vật nuôi ngày càng suy dinh dưỡng và chết dần. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các xã kiểm tra, nắm bắt thực tế để có phương án phù hợp cứu đàn gia súc” - ông Phú cho hay.

Đàn gia súc tại huyện Ea Súp đang chết dần vì thiếu thức ăn, thiếu nước

Theo ông Nguyễn Đình Toản - Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk),sau khi nắm được thông tin, huyện đã tổ chức họp và trước mắt thống nhất phương án vận bà con di chuyển đàn gia súc đến những vùng suối còn nước, có cây cỏ để chăn thả. Đồng thời, huyện cũng sẽ có đề xuất tỉnh có phương án hỗ trợ cho các hộ có trâu bò chết.

Còn ông Vũ Văn Đông - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết Sở đãnắm được thông tin trâu bò ở Ea Súp chết nhưng trước mắt chưa thể khẳng định được nguyên nhân có phải là do thiếu nước hay không. Vì vậy, Sở đã giao cho Chi cục Thú y, Ban chỉ huy PCTT&TKCN kiểm tra, xác định nguyên nhân và có hướng xử lý cụ thể.

Hỗ trợ tiền và gạo chống hạn

Ngày 11/4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định hỗ trợ hơn 484 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015- 2016, trong đó tỉnh Đắk Lắk được hỗ trợ 57 tỷ đồng. Từ ngày 13 - 15/4, Cục dữ trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên cũng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk phân bổ 500 tấn gạo “cứu đói” của Chính phủ cho các địa phương gặp hạn trong toàn tỉnh.

 

Lê Phước

Nguồn: Monre

 
Các tin khác