Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Khắc phục nắng hạn ở Tây Nguyên – nhiệm vụ chính trị hàng đầu!
Ngày đăng: 25/03/2016
Ngày 24/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã thị sát tình hình hạn hán tại Gia Lai, sau đó, làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên để bàn giải pháp khắc phục nắng hạn khắc nghiệt với phương châm không để dân khát, dân đói và bị dịch bệnh do nắng hạn gay gắt gây ra. Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên

Thiệt hại lớn vì hạn hán

Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, tính đến ngày 22/3, tổng diện tích cây trồng bị hạn trên địa bàn tỉnh là 13.515,6 ha. Ước thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2015-2016 khoảng 152 tỷ đồng. Một số địa phương thiếu nước sinh hoạt (hơn 7.036 hộ) thuộc địa bàn các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Chư Prông... Tính đến nay, toàn tỉnh có 14.695 hộ với 64.289 khẩu bị thiếu đói do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016.

Chia sẻ với những khó khăn mà người dân gặp phải, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến thị sát cánh đồng lúa ở xã Chư Don (huyện Chư Pưh), chứng kiến tận mắt những cánh đồng lúa đang khô cháy vì không có nước tưới, nhiều diện tích lúa chưa kịp thu hoạch đã bị chết cháy hoàn toàn, mặt ruộng nứt nẻ, không còn khả năng thu hoạch. Sau khi khảo sát, kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh, Phó Thủ tướng đã đến thăm bà con ở xã Hbông (huyện Chư Sê) - một trong những xã khó khăn nhất về nước tưới và nước sinh hoạt của huyện, cùng đồng cảm với tình cảnh thiếu nước, thiếu ăn của người dân.

Chung thảm cảnh với người dân Gia Lai, các tỉnh khác thuộc Tây Nguyên cũng chịu hạn hán diễn ra trên diện rộng. Cụ thể, tại tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 4.000 ha cây trồng bị hạn, tập trung chủ yếu ở các loại cây công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 4.142 giếng nước bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến khoảng 5.400 hộ. Còn tại tỉnh Đak Lak, ngay Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột có những con phố đến 2 ngày vẫn không có nước để cấp cho người dân sinh hoạt. Nếu đến cuối tháng 4 vẫn chưa có mưa thì Đak Lak sẽ có khoảng 80.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn (trong đó có khoảng 30.000 ha cà phê). Riêng tỉnh Lâm Đồng thiệt hại do hạn hán tương đối nhẹ hơn so với các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên dự báo đến cuối tháng 4 sẽ có khoảng trên 4.000 ha cây trồng ở Lâm Đồng bị thiệt hại do hạn và cần khoảng trên 50 tỷ đồng để chống hạn năm 2016.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác thị sát cánh đồng lúa ở xã Chư Don (huyện Chư Pưh, Gia Lai)

Các Bộ, ngành vào cuộc cùng nhân dân chống hạn

Làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mỗi tỉnh trong khu vực phải ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về tình hình hạn hán hiện nay với các biện pháp cụ thể đối với địa phương, qua đó hướng dẫn nhân dân nắm được tình hình. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng cộng đồng đối phó với tình hình khốc liệt hiện nay.

Theo đó, các tỉnh phải vận động, tuyên truyền nhân dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nước cho sinh hoạt, vật nuôi và cây trồng. Các hồ thủy điện, thủy lợi phối hợp với các địa phương để tính toán xả nước. Hệ thống ngân hàng vào cuộc xem xét hoãn, giãn cho dân các khoản vay để vượt qua lúc khó khăn này. Về giải quyết gạo để nhân dân không bị đói, Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 4 tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 500 tấn gạo cấp cho nhân dân. Về lâu dài, các Bộ, ngành, địa phương phải điều tra, quy hoạch việc sử dụng nguồn nước ở Tây Nguyên.

Đại diện cho Bộ TN&MT, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khu vực Tây Nguyên có nhiều con sông lớn nhưng vào mùa mưa năm 2015, trên hầu hết các lưu vực sông ở miền Trung và Tây Nguyên đều không có lũ. Từ đầu năm 2016 đến nay, mực nước trên các sông ở khu vực Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp, nhiều hệ thống sông xuất hiện mực nước thấp lịch sử, lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20-50%, có nơi trên 60%. Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên có dung tích trữ chỉ còn 30-40% dung tích thiết kế, nhiều hồ đập thấp hơn cùng kỳ năm 2015.

Để giải quyết cấp nước sinh hoạt cho khoảng 28.300 hộ gia đình đang bị thiếu nước sinh hoạt hiện nay và trong thời gian tới có thể lên đến khoảng 59.000 hộ, ngoài việc ưu tiên sử dụng nguồn nước còn lại tại các hồ chứa thủy lợi nhỏ, cần tập trung khoan giếng, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại chỗ hoặc có thể dẫn đi xa để cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới cho cây lâu năm.

 

Bên cạnh đó, cần triển khai lập bản đồ quy hoạch và tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở khu vực thường xuyên hạn hán; lập quy hoạch tài nguyên nước; tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo; xây dựng hạ tầng quan trắc, giám sát việc vận hành các hồ chứa lớn cho phù hợp với tình hình hiện nay; xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cần có sự phân kỳ, xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn và nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất cho địa bàn.

T.Minh

Nguồn: Monre

Các tin khác