Năm 2015: Thời tiết, thủy văn bất thường
Nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương về xu thế mùa mưa bão, lũ năm 2015, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2014, trong đó số cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nhiều hơn về số lượng, lũ xuất hiện nhiều hơn ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Tình hình khô hạn, thiếu nước ở các tỉnh Nam Trung Bộ đến khoảng tháng 9/2015 mới dần được cải thiện; xâm nhập mặn sâu, độ mặn tăng cao và kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5/2015 ở Nam Bộ.
Theo đó, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái pha nóng và có khả năng xuất hiện El Nino trong mùa mưa bão năm 2015, nếu xuất hiện sẽ có cường độ yếu đến trung bình. Hoạt động của bão, ATNĐ trên Biển Đông sẽ yếu hơn so với TBNN về cả tần số và cường độ. Dự báo sẽ có khoảng 9-10 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông (TBNN là khoảng 12 cơn). Trong đó, khoảng 4-5 cơn bão, ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (TBNN là 5-6 cơn).
Từ tháng 5 đến tháng 10/2015: nền nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN từ khoảng 0.5-1.0 độ C, riêng Nam Bộ và Tây Nguyên nhiệt độ dao động ở mức xấp xỉ TBNN. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ xuất hiện nhiều hơn nhưng ít gay gắt và ít có khả năng kéo dài như năm 2014.
Năm nay, mùa mưa ở Bắc Bộ có khả năng xảy ra phù hợp theo quy luật hàng năm, lượng mưa các tháng nửa đầu mùa mưa (từ tháng 5-7/2015) ở mức xấp xỉ TBNN, các tháng cuối mùa (từ tháng 8-10/2015) ở mức thấp hơn TBNN. Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ sẽ tập trung từ tháng 6 đến tháng 8/2015. Ở các tỉnh ven biển Trung Bộ, lượng mưa tháng 4 đến tháng 10/2015 phổ biến ở mức thấp hơn TBNN. Tình trạng thiếu nước, khô hạn ở Trung Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ sẽ kéo dài đến khoảng giữa và cuối tháng 9/2015.
Tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng ở khu vực từ Nghệ An đến Bắc Bình Thuận và có khả năng kéo dài tới tháng 8-9/2015; ở khu vực Nam Bình Thuận và Tây Nguyên kéo dài đến đầu tháng 5. Xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Bộ.
Đầu tư đúng hướng - sánh ngang quốc tế
Trong những năm gần đây, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã phát triển sâu rộng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của ngành nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung. Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 1975; thành viên của Ủy ban Bão năm 1979. Cùng với việc Việt Nam gia nhập Khối ASEAN, Khí tượng Thủy văn Việt nam cũng trở thành thành viên chính thức của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (SCMG) vào năm 1995.
Thời gian qua, những hiện tượng thời tiết bất thường và khắc nghiệt ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Và theo đánh giá của thế giới, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Với tình hình này, nhiệm vụ mà ngành Khí tượng thủy văn phải gánh vác sẽ càng trở nên nặng nề.
“Hơn lúc nào hết, ngành Khí tượng thủy vân đã và đang nỗ lực để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần trong các hoạt động hợp tác quốc tế của khu vực và thế giới” - ông Lê Công Thành - Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định: “Ngành Khí tượng thủy văn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đặc biệt trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Phát triển ngành Khí tượng thủy văn phải đồng bộ theo hướng hiện đại…”.
Triển khai thực hiện Chiến lược, mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo đã và đang từng bước được hiện đại hóa thông qua Đề án “Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn”, trong đó đặc biệt quan tâm đến hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực từ quốc tế thông qua các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ ODA. Điển hình là các dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật bản, dự án vay ưu đãi ODA của Chính phủ Pháp, Italia, của Ngân hàng thế giới và một số dự án hỗ trợ kỹ thuật khác do Chính phủ Hàn Quốc, Phần Lan, Thụy Sỹ tài trợ.
XUÂN LAM - NI NA
Nguồn : monre