Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn
Ngày đăng: 30/03/2015
Ngành Khí tượng Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm hoạt động và phát triển với nhiều cống hiến quan trọng cho đất nước cũng như nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Có được kết quả này là nhờ Việt Nam có đầu tư đúng hướng cho ngành Khí tượng; sự cố gắng vượt bậc của các cán bộ khí tượng trên toàn quốc, và tất nhiên không thể kể đến sự mở rộng hợp tác quốc tế về khí tượng với các nước, các tổ chức quốc tế thời gian qua.

Nhân dịp ngày khí tượng thế giới 23/03, Phóng viên Chương trình "Việt Nam và Thế giới" của Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài THVN đã có bài phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Thưa ông, ngày 25/4/1900, toàn quyền Đông Dương Paul Dumer đã ra Nghị định cho phép xây dựng tòa nhà chính của Sở Khí tượng Đông Dương, đặt trên núi Phù Liễn (quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) và ngày 16 tháng 9 năm 1902, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đài Quan sát Từ trường và Khí tượng Trung ương, đánh dấu sự ra đời của ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam. Trong hơn 100 năm qua, công tác hợp tác quốc tế đã được triển khai và đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển của ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Hợp tác quốc tế là một hoạt động không thể thiếu của ngành khí tượng thủy văn. Khí quyển, các dòng sông không có biên giới, nên số liệu quan trắc KTTV thường được cung cấp và chia sẽ lẫn nhau thông qua Tổ chức Khí tượng quốc tế (từ năm 1873) và sau này là Tổ chức Khí tượng thế giới (từ năm 1961). Ngay cả trong trường hợp 2 quốc gia có xung đột về biên giới, lãnh thổ, chiến tranh… thì vẫn phải cung cấp số liệu quan trắc cho nhau. Dù dự báo thời tiết theo phương pháp Si-nốp truyền thống hay theo mô hình số hiện đại cũng đều cần phải có nguồn dữ liệu quan trắc trên một vùng rộng lớn, vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia.

Trong hơn 100 năm qua, nhất là trong những năm gần đây, hợp tác quốc tế của ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã phát triển sâu rộng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của Ngành nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.

Việt Nam là Thành viên chính thức của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 1975; thành viên của Ủy ban Bão năm 1979. Cùng với việc Việt Nam gia nhập Khối ASEAN, Khí tượng Thủy văn Việt nam cũng trở thành thành viên chính thức của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (SCMG) vào năm 1995.

Đồng thời, Việt Nam có những quan hệ song phương chính thức với Liên Xô trước đây (nay là Nga), Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương Quốc Cam pu chia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và một số nước khác.

Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế với các đối tác như Italia, Pháp, Phần Lan, Thụy Sỹ, Na uy, Quỹ Phát triển Bắc Âu, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và nhiều đối tác khác đã hoàn thành và phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và từng bước hiện đại hóa Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

PV: Trong thời gian gần đây, những hiện tượng thời tiết bất thường và khắc nghiệt ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Và theo đánh giá của thế giới, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Với tình hình này, nhiệm vụ mà ngành Khí tượng thủy văn phải gánh vác sẽ càng trở nên nặng nề. Vậy ngành Khí tượng thủy văn đã có những kế hoạch gì để hoàn thành trọng trách này, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quốc tế?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Việt Nam nằm trong phạm vi ảnh hưởng của hoàn lưu nhiệt đới khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, một ổ bão lớn trong 05 ổ bão trên thế giới. Trung bình hàng năm có 10 cơn bão đổ bộ vào nước ta, khoảng 80 - 90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão. Cùng với bão, các loại thiên tai nguy hiểm khác cũng thường xuyên xảy ra như lũ lụt, lũ quét, hạn hán, mưa lớn, tố, lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, triều cường,... với tần suất, mức độ nguy hiểm, khốc liệt, khó lường. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam lại là một trong số ít nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, vì thế thiên tai, nước biển dâng, xâm nhập mặn… có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây, đã gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của xã hội, cộng đồng, người dân, tác động trực tiếp tới sự phát triển bền vững và đối với quốc phòng, an ninh của đất nước.

Hơn lúc nào hết, ngành KTTV đã và đang nỗ lực để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần trong các hoạt động hợp tác quốc tế của khu vực và thế giới.

Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định “Ngành KTTV có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đặc biệt trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai”. “Phát triển Ngành KTTV phải đồng bộ theo hướng hiện đại, lấy việc đầu tư khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực đang có”.

Triển khai thực hiện Chiến lược, mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo đã và đang từng bước được hiện đại hóa thông qua Đề án “Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc KTTV”, trong đó đặc biệt quan tâm đến hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực từ quốc tế thông qua các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ ODA. Điển hình là các dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật bản, dự án vay ưu đãi ODA của Chính phủ Pháp, Italia, của Ngân hàng thế giới và một số dự án hỗ trợ kỹ thuật khác do Chính phủ Hàn Quốc, Phần Lan, Thụy Sỹ, … tài trợ

Công tác hợp tác quốc tế của Ngành KTTV chủ yếu tập trung tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, huy động nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài và tiếp thu, chuyển giao công nghệ, đảm bảo việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn. Đồng thời tiếp tục mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trách nhiệm của một quốc gia thành viên trong WMO.

 PV: Trên thực tế, hoạt động giao lưu hợp tác của ngành Khí tượng với các bạn bè quốc tế cũng phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này tập trung vào những nội dung chính nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Trước hết là trong lĩnh vực quan trắc. Cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, thông qua hợp tác quốc tế, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn của Việt nam đã từng bước được phát triển, hiện đại hóa. Chúng ta đã có mạng lưới các trạm ra đa thời tiết phục vụ cho quan trắc dông, bão, mưa lớn. Mạng lưới quan trắc thám không được xem là hiện đại vào bậc nhất, nếu so sánh với các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Mạng lưới quan trắc khí tượng bề mặt, quan trắc hải văn ven bờ, quan trắc mưa đang được tự động hóa… Số liệu quan trắc này không chỉ dùng riêng cho VN mà còn chia sẻ với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua hệ thống thông tin dữ liệu toàn cầu, làm tăng độ chính xác cho dự báo thời tiết.

Thứ hai là hợp tác trong trao đổi thông tin, dữ liệu. Không có nước nào trên thế giới có thể dự báo thời tiết mà không sử dụng số liệu quan trắc của nước khác hoặc số liệu toàn cần. Ngày ngày, tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, số liệu quan trắc bề mặt (mắt đất, mặt biển…), số liệu thám không, số liệu vệ tinh của hầu hết các nước trên thế giới được thu thập để sử dụng cho phân tích và dự báo thời tiết. Các sản phẩm dự báo từ mô hình dự báo toàn cầu từ châu Âu, Nhật Bản, Hoa kỳ… cũng được Trung tâm thu nhận để sử dụng cho hoạt động dự báo nghiệp vụ tại VN.

Từ những năm 1980s, WMO thông qua UNDP đã dành cho VN các dự án viện trợ nhằm tăng cường thông tin thu thập và xử lý số liệu KTTV; giảm độ trễ về thu thập số, xử lý số liệu. Với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, các kênh viễn thông khí tượng Hà Nội – Mascơva, Hà Nội – Bắc Kinh, Hà Nội  - Băng Cốc cũng được thiết lập, nâng cấp. Hiện nay, với hệ thống thu ảnh mây vệ tinh và hệ thống thu số liệu qua internet đã cơ bản đảm bảo đầy đủ dữ liệu cho công tác dự báo, giúp Việt Nam được hưởng lợi từ kết quả các mô hình dự báo toàn cầu.

Thứ ba là hợp tác trong dự báo khí tượng thủy văn, thông qua trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ, khai thác các sản phẩm. Khi có bão hình thành hoặc đi vào biển Đông, các nước xung quanh như Philippin, Trung Quốc, Nhật Bản đền cung cấp cho VN số liệu về các cơn bão này cũng như dự báo diễn biến của bão. Trung tâm KTTV quốc gia đã áp dụng nhiều mô hình, công nghệ dự báo mới đồng thời khai thác các sản phẩm dự báo của các trung tâm dự báo tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… để nâng cao chất lượng dự báo KTTV. Mới đây, VN vừa tự nguyện thành lập “Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực” để chuyên dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm cho các nước trong khu vực như Philippin, Thái Lan, Lào và Campuchia…

Thứ tư là hợp tác trong đào tạo cán bộ. Thông qua các dự án, chương trình hợp tác, thông qua các hoạt động thường niên của các tổ chức quốc tế mà chúng ta là thành viên và tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, nhiều cán bộ của ngành khí tượng thủy văn đã có cơ hội để nâng cao trình độ, tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến. Cũng thông qua hợp tác, nhiều chuyên gia quốc tế đã tới Việt Nam để trao đổi hợp tác, hướng dẫn chuyển giao công nghệ… 

 PV: Các quốc gia trên thế giới và tổ chức quốc tế đã có những hỗ trợ cụ thể như thế nào cho ngành Khí tượng Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Ngay sau hòa bình lập lại, được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, CHDC Đức và một số nước khác trong phe XHCN, chỉ sau một số năm, từ một mạng lưới thưa thớt và ít ỏi do thực dân Pháp để lại chúng ta đã xây dựng được một mạng lưới trạm khá đồng bộ.

Thông qua các dự án đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, UNDP và các quốc gia như Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc; hỗ trợ không hoàn lại của chính phủ Phần Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản…và các tổ chức quốc tế khác, chúng ta đã phát triển được một mạng lưới quan trắc và hệ thống thông tin, trao đổi dữ liệu tương đối đồng bộ, từng bước hiện đại. Sản phẩm dự báo khí tượng thủy văn ngày càng đa dạng, chất lượng dự báo được nâng cao, dần đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng. 

Ngoài đào tạo thông qua các dự án, chương trình như đã nói trên, với sự hỗ trợ của WMO, Ủy ban Bão, Chính phủ các nước, hàng năm rất nhiều lượt cán bộ đã được tham gia các khóa huấn luyện ngắn hạn và dài hạn tại nước ngoài. Đây cũng là một nguồn hỗ trợ vô cùng quý báu từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế để chúng ta tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ.

 PV: Vậy quá trình hợp tác quốc tế của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã đạt được những kết quả cơ bản như thế nào? 

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Khí tượng thủy văn là một ngành không biên giới. Sự hỗ trợ, chia sẻ của cộng đồng khí tượng thủy văn thế giới trong công tác quan trắc, nghiên cứu phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai là một trong những điều tự hào của cộng đồng khí tượng thủy văn mà không phải lĩnh vực nào cũng có thể làm được.

Là một thành viên của WMO, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ chia sẻ từ các tổ chức trực thuộc nói chung và từ các quan hệ song phương với các nước thành viên nói riêng. Như các phần trên đã đề cập, sự phát triển của ngành khí tượng thủy văn hiện nay (năng lực cán bộ nâng cao, công nghệ dự báo tiên tiến, mạng lưới trạm đang dần tự động hóa) có phần đóng góp quan trọng của hợp tác quốc tế và là một trong những minh chứng cho vai trò không thể thiếu của hợp tác quốc tế trong ngành khí tượng thủy văn.

 PV: Trong quá trình hoạt động và phát triển, và đặc biệt là trong tiến trình hợp tác quốc tế, ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào cho cộng đồng quốc tế?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Trong khuôn khổ hợp tác với WMO, Việt Nam có trên 30 trạm phát báo quốc tế để chia sẻ số liệu quan trắc với các nước thành viên. Các trạm quan trắc thuỷ triều ở Vũng Tàu, Qui Nhơn tham gia vào hệ thống giám sát nước biển dâng và sóng thần của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trạm giám sát BĐKH được lắp đặt tại đỉnh đèo Pha Đin ở độ cao 1500m cũng để cùng với thế giới giám sát BĐKH, đóng góp số liệu quan trắc để đưa vào mô hình dự báo khí hậu tại các nước tiên tiến như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Trong khuôn khổ hợp tác Ủy hội Sông Mê Công, Việt nam chia sẻ số liệu quan trắc và dự báo thủy văn ở hạ nguồn Sông Mê Công cho các nước và ngược lại cũng có được thông tin quan trắc và dự báo từ các quốc gia thượng nguồn nhằm nâng cao chất lượng dự báo lũ và quản lý, khai thác tài nguyên nước.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Việt Nam đã giúp đỡ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Campuchia trong việc tăng cường mạng lưới trạm, nâng cao năng lực điều tra cơ bản và dự báo khí tượng thuỷ văn nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phục vụ dự báo khí tượng thuỷ văn và phát triển kinh tế xã hội của nước Bạn. Đồng thời, tăng cường hợp tác trao đổi các thông tin KTTV, nâng cao khả năng dự báo lũ sông Mê Công, gió mùa tây nam...

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực không ngừng của các cán bộ trong ngành Khí tượng Thủy văn, Việt Nam đã được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới trong khuôn khổ thực hiện Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm và bắt đầu triển khai thử nghiệm bán nghiệp vụ trong năm 2012.

Dựa trên các sản phẩm dự báo số trị toàn cầu, Trung tâm sẽ xử lý, chạy các mô hình khu vực phân giải cao, tạo ra sản phẩm, bản tin dự báo và cảnh báo tới 5 ngày cho các nước Campuchia, Lào, Phillipin, Thái Lan tham khảo và sử dụng. Ngoài ra, còn vận hành trang thông tin điện tử để trao đổi với các nước trong quá trình dự báo và cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong khu vực dự báo.

Qua việc được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO, chúng ta đã từng bước nâng cao năng lực dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung tạo điều kiện để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ngoài ra, kế từ khi Việt Nam được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO đến nay đã có hơn 30 lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật tiếp cận trình độ quốc tế ở một số nước tiên tiến như: Vương Quốc Anh, Na Uy, Nhật Bản, Hồng Kong, Hàn Quốc…. Triển khai thành công Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO sẽ góp phần đạt được mục tiêu “Đến năm 2020, Ngành KTTV Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á” theo như Chiến lược Phát triển Ngành.

  Qua một số chương trình, dự án hợp tác, Việt Nam đã đào tạo nhiều lượt cán bộ dự báo KTTV cho Lào, Campuchia và thật đáng mừng trong số đó nhiều bạn đang đảm đương những chức vụ quan trọng của Ngành. Những kết quả hợp tác về khí tượng thủy văn góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, truyền thống giữa nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia.

 PV: Trong tương lai, ngành Khí tượng Việt Nam sẽ có phương hướng như thế nào để phát triển quan hệ hợp tác quốc tế một cách có hiệu quả?

Ông Nguyễn Văn Tuệ: Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đa phương, tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ của các tổ chức mà Việt Nam đang là thành viên (WMO, Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN) trên cơ sở chủ động, đảm bảo định hướng phát triển của Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam

Mở rộng các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác chiến lược (Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…)

Hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực quan trắc, trao đổi thông tin, dự báo, cảnh báo, đào tạo, trao đổi chuyên gia. Tăng cường vận động, tiếp nhận nguồn hỗ trợ quốc tế để phát triển hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực dự báo, đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân.

Thông qua hợp tác đào tạo, nghiên cứu để tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, đặc biệt đội ngũ chuyên gia dự báo, chuyên gia vận hành, khai thác các trang thiết bị công nghệ kỹ thuật cao, đồng thời đào tạo độ ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế.

Thực hiện tốt vai trò và vị trí Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Nguồn: Cục KTTV&BĐKH

Các tin khác