Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Khai mạc phiên cấp cao COP 20
Ngày đăng: 10/12/2014
Ngày 9/12/2014 giờ địa phương tại Lima, Peru đã khai mạc phiên họp cấp cao của Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP20), Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10).

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon phát biểu tại khai mạc phiên cấp cao

Đến dự phiên khai mạc có Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, Tổng thống Peru Ollanta Humala, nguyên thủ quốc gia, các Bộ trưởng của các nước tham dự Hội nghị COP20/CMP10. Đoàn Việt Nam có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà – Trưởng đoàn tham dự. 
* Chống biến đổi khí hậu: Cộng đồng quốc tế phải hành động ngay 
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon nhấn mạnh Hội nghị này mang theo thông điệp của hy vọng của sự khẩn trương. "Tất cả chúng ta phải hành động ngay lập tức! Tất các quốc gia, các cộng đồng, xã hội phải tham gia vào quá trình này". Ông Ban Ki Moon nhấn mạnh điều này bởi COP20/CMP10 là hội nghị quan trọng của Liên hợp quốc để các Bên tham gia đàm phán nhằm xây dựng Thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý dự kiến sẽ được thông qua tại COP21/CMP11. 
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, tại Lima, các Bên cần xây dựng dự thảo Thỏa thuận cân bằng để các Bên tham gia đàm phán vào năm 2015; quyết định về phạm vi của Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định và các nước phát triển cần đệ trình Báo cáo này vào quý I năm 2015; các Bên cần có cam kết đóng góp tài chính cho Quỹ khí hậu xanh; cũng như ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các hành động thích ứng tại các nước bị tổn thương nhiều nhất như các nước đảo nhỏ, các nước kém phát triển; đồng thời các nước cần khẩn trương phê chuẩn thời kỳ cam kết lần thứ hai của Nghị định thư Kyoto.
Dự kiến tại phiên họp cấp cao này của COP20/CMP10, Trưởng đoàn công tác của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ có bài phát biểu quan trọng về những cố gắng của Việt Nam chống lại BĐKH toàn cầu, nêu rõ quan điểm của Việt Nam về xây dựng thoả thuận 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án tham gia đàm phán BĐKH của Việt Nam giai đoạn 2014, 2015. 
* Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động chung và đàm phán song phương
Việt Nam tham dự COP lần này gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Đài Truyền hình Việt Nam. Đoàn tham dự với mục tiêu và quan điểm bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của nước đang phát triển không gây ra BĐKH nhưng chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH như Việt Nam; cùng đóng góp để xây dựng dự thảo thoả thuận 2015… Đồng thời tăng cường hợp tác song phương với các nước đối tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; chia sẻ quan điểm đàm phán, tổng kết kết quả các hoạt động hợp tác trong thời gian qua, tìm biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Tại phiên họp toàn thể thảo luận Thoả thuận pháp lý toàn cầu về BĐKH, đoàn Việt Nam đã có hai lần phát biểu nêu quan điểm của Việt Nam và đã đệ trình lên Ban Thư ký dự thảo lời văn của Việt Nam. Dự thảo lời văn đã được chiếu lên màn hình để các quốc gia xem xét. Trong Hội nghị, Angeria và Ấn Độ ủng hộ đề xuất của Việt Nam.
Các cán bộ của Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận tại các phiên họp, thảo luận các vấn đề kỹ thuật của các Ban bổ trợ của COP20/CMP10 như: Các cơ chế tài chính theo Công ước và Nghị định thư; Báo cáo tổng hợp của Đánh giá lần thứ 5 của IPCC (AR5); Tổng hợp và đánh giá các kết quả của ADP; Phương pháp báo cáo cho Hội nghị các Bên (COP); Các chương trình làm việc và diễn đàn; Cơ chế quốc tế Vác-sa-va về Tổn thất và Thiệt hại; Sự kiện chuyên biệt của SBSTA-IPCC về báo cáo tổng hợp của AR5; Nghiên cứu và quan trắc hệ thống; Sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất; Hướng dẫn phương pháp luận cho giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; về phát thải GHG do sử dụng nhiên liệu trong vận tải hàng hải quốc tế và hàng không quốc tế.
Cũng trong tuần thứ nhất, Đoàn đã đệ trình lên Ban Thư ký UNFCCC Báo cáo Cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam (BUR1). Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới đệ trình BUR1. Đồng thời Việt Nam sẽ chia sẻ với thế giới về việc xây dựng Dự thảo Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia xác định (iNDC).
Để tăng cường giới thiệu các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác, Đoàn cũng đã tổ chức Hội nghị bên lề về các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phủ hợp điều kiện quốc gia (NAMA) của Việt Nam vào ngày 05 tháng 12; tham dự và trình bày tại nhiều Hội nghị bên lề của các nước về vấn đề JCM, NAMA, REDD, Kiểm kê quốc gia về khí nhà kính, năng lượng, giao thông, huy động nguồn lực… (về huy động nguồn lực, đến nay Đoàn đã có buổi làm việc với Đại diện UNEP, với Đại diện Quỹ Khí hậu xanh về các hỗ trợ cho Việt Nam ứng phó BĐKH).
Dự kiến trong tuần thứ hai, theo phân công, các cán bộ tham gia Đoàn sẽ tiếp tục theo dõi, tham gia vào các phiên đàm phán liên quan đến nội dung dự thảo COP20 liên quan đến Nhóm công tác Định hướng Durban (ADP) nhằm xây dựng Thỏa thuận toàn cầu 2015 và những nội dung dự kiến sẽ đưa vào Thỏa thuận 2015, trong đó quan trọng là Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDCS); một số vấn đề kỹ thuật khác như vấn đề tài chính, các biện pháp ứng phó và các tác động.
Đồng thời, trong thời gian tham dự phiên họp cấp cao của Hội nghị COP20/CMP10, Trưởng đoàn công tác của Việt Nam có các cuộc gặp song phương với các đối tác song phương như Hà Lan, Đan Mạch, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Ngân hàng Thế giới nhằm trao đổi, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về tiến trình đàm phán quốc tế, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác song phương trong thời gian qua, thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác về biến đổi khí hậu trong thời gian tới; tham dự Đối thoại bàn tròn về Cơ chế tín chỉ chung JCM.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục KTTV và BĐKH (từ Lima, Peru)

Các tin khác