Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
BÁO CÁO VỀ COP20 VÀ THAM DỰ CỦA VIỆT NAM
Ngày đăng: 08/12/2014
Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP20) và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10) được tổ chức tại Lima Peru từ ngày 01 đến 12 tháng 12 năm 2014. Tham dự Hội nghị có đại diện của 190 nước trên thế giới. Tại Hội nghị, đại diện của các quốc gia sẽ thảo luận những vấn đề thuộc khuôn khổ Công ước khí hậu, Nghị định thư Kyoto, trong đó nổi bật là các nội dung của Nhóm Công tác Định hướng Durban (ADP) nhằm:

(1) xây dựng Thỏa thuận quốc tế 2015 áp dụng cho tất cả các Bên; và

(2) tăng cường kỳ vọng thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn trước năm 2020.

Đồng thời, trong khuôn khổ Hội nghị còn có các cuộc họp lần thứ 41 của Ban Bổ trợ thực hiện (SBI), Ban Bổ trợ về Khoa học và Công nghệ (SBSTA).

Hội nghị COP20 và CMP10 năm nay diễn ra trong bối cảnh Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa công bố Báo cáo tổng hợp dành cho các nhà hoạch định chính sách từ Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5); thời điểm dự kiến kết thúc đàm phán xây dựng Thoả thuận 2015 đang đến gần; EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc đã có những cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính; Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về BĐKH vừa diễn ra tại New York tháng 9/2014…

Trước khi diễn ra Hội nghị, đồng Trưởng nhóm công tác ADP đã đề xuất tai liệu về các nội dung phục vụ xây dựng Thoả thuận toàn cầu 2015 trên cơ sở tập hợp ý kiến các Bên tham gia từ kể từ COP17 tại Nam Phi đến nay. Qua phân tích thấy nội dung tài liệu tuy có đề cập đến tất cả các nội dung thích ứng, giảm nhẹ, tài chính, tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ và minh bạch trong mọi hoạt động. Tuy nhiên theo Nhóm các nước đang phát triển, dự thảo chưa thể hiện nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt của Công ước, trong đó trách nhiệm tham gia cắt giảm phát thải của các nước các phát triển cần đi đầu với kỳ vọng cao hơn cùng với trách nhiệm hỗ trợ tài chính, tăng cường năng lực, giúp các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH. Những vấn đề này được đề cập khá mờ nhạt, rất chung chung và không thực chất.

Qua thảo luận cho thấy các nước phát triển rất quyết tâm để đạt được Thoả thuận vào 2015 thông qua ủng hộ tài liệu do đồng Trưởng nhóm công tác ADP  dự thảo. Các nước đang phát triển cũng quyết tâm đẩy nhanh tến trình đàm phán tuy nhiên phải bảo đảm quyền và lợi ích của mình. Cách thức điều hành thảo luận trong mấy ngày qua cho thấy các đồng Trưởng nhóm đã chịu tác động mạnh mẽ từ các nước phát triển, cố tình lờ đi tiếng nói của các nước đang phát triển. Nhiều nhóm nước đang phát triển đã tổ chức đoàn đại biểu đến gặp Chủ tịch COP (người Pê-ru) để phản đối. Nếu không có thay đổi về cách thức điều hành hiện nay, Hội nghị có thể sẽ lâm vào bế tắc.

Việt Nam tham dự COP lần này do Thứ trưởng Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn và đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Đài Truyền hình Việt Nam. Đoàn tham dự với mục tiêu và quan điểm:

1. Bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của nước đang phát triển không gây ra BĐKH nhưng chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH như Vệt Nam; cùng đóng góp để xây dựng dự thảo thoả thuận 2015 với các nội dung chính bao gồm các vấn đề Việt Nam quan tâm, đặc biệt là vấn đề Dự kiến đóng góp do quốc gia xac định (iNDC) của các nước đang phát triển như Việt Nam, bảo đảm hài hòa giữa quyền phát triển và nghĩa vụ đóng góp của một Bên nước đang phát triển đối với Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH và mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ.

2. Các nước phát triển cần sớm đưa ra cam kết cắt giảm phát thải mạnh mẽ cho giai đoạn trước 2020 và có cam kết cụ thể về tài chính. Hiện mới chỉ có 17 nước đưa ra cam kết cắt giảm phát thải giai đoạn trước 2020 và sẽ được các quốc gia xem xét đánh giá vào ngày 6 và 8/12 tới. Về tài chính, các nước phát triển phải thể hiện vai trò đi đầu, thực hiện cam kết tăng dần mức hỗ trợ từ 10 tỉ một năm đến 100 tỷ mỗi năm vào 2020, thực tế mới chỉ huy động được 9,7 tỉ đô la đến 2015 cho quỹ Khí hậu xanh. (Về việc này ngày 3/12 đại diện Đoàn Công tác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã tiếp xúc với đại diện Quỹ Khí hậu xanh và dự kiến tháng 01 năm 2015, Quỹ sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để rà soát tình hình cụ thể của Việt Nam).

3. Trưởng đoàn Việt Nam sẽ có bài phát biểu quan trọng tham luận về những cố gắng của Việt Nam chống lại BĐKH toàn cầu, nêu rõ quan điểm của Việt Nam về xây dựng thoả thuận 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án tham gia đàm phán BĐKH của Việt Nam giai đoạn 2014, 2015. Trưởng đoàn sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương với các đối tác như WB, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Hà Lan, ASEAN… để chia sẻ quan điểm trong đàm phán BĐKH và vận động các đối tác hỗ trợ cho Việt Nam ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh thực hiện Cơ chế tín chỉ chung JCM...

4. Đệ trình lên Ban Thư ký UNFCCC Báo cáo Cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam (BUR1). Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới đệ trình BUR1. Đồng thời Việt Nam sẽ chia sẻ với thế giới về việc xây dựng Dự thảo Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia xác định (iNDC);

           5. Tổ chức 1 Hội nghị bên lề về NAMA của Việt Nam vào ngày 05 tháng 12; tham dự và trình bày tại nhiều Hội nghị bên lề của các nước về vấn đề JCM, NAMA, REDD, Kiểm kê quốc gia về khí nhà kính, năng lượng, giao thông, huy động nguồn lực… (về huy động nguồn lực, đến nay Đoàn đã có buổi làm việc với Đại diện UNEP, với Đại diện Quỹ Khí hậu xanh về các hỗ trợ cho Việt Nam ứng phó BĐKH).


Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu,

Phó trưởng Ban công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu

Các tin khác