Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Quỹ Khí hậu xanh – hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 06/12/2014
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP20) và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10), sự kiện bên lề về Quỹ khí hậu xanh (GCF) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

 

 

                   Ban điều hành sự kiện bên lề về Quỹ Khí hậu xanh                    

 

 

Quỹ Khí hậu xanh được thành lập để các quốc gia phát triển cùng chung tay giúp đỡ các nước nghèo xây dựng môi trường sống xanh sạch và chống lại biến đổi khí hậu. GCF có mục đích thúc đẩy “chuyển đổi mô hình theo hướng phát triển phát thải thấp và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ các nước đang phát triển hạn chế hoặc giảm bớt lượng khí thải nhà kính và thích ứng với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.

Việc đưa ra Quỹ GCF tạo động lực cho các quốc gia đề xuất các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đóng góp vào nỗ lực chung giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.

Các chính sách hoạt động của GCF đã được phê duyệt tại cuộc họp Ban chấp hành lần thứ 7 vào tháng 5 năm 2014. Tính tới tháng 11/2014, GCF bước đầu đã huy động được 9,7 tỷ USD. GCF dự kiến phân bổ 50% nguồn vốn cho thích ứng với biến đổi khí hậu và 50% nguồn vốn cho hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Đối với các hoạt động thích ứng, Quỹ dành ít nhất một nửa nguồn lực hỗ trợ cho các nước đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), các nước chậm phát triển (LDC) và Châu Phi, còn lại dành cho các quốc gia đang phát triển. GCF cũng đưa ra khung đầu tư trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ như tiềm năng ảnh hưởng, tiềm năng phát triển bền vững, nhu cầu của các quốc gia, tính hiệu quả…

Các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ hỗ trợ của GCF có thể kể đến như: năng lượng phát thải thấp, các phương thức phát thải thấp; sử dụng đất…Trong khi đó các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu được hỗ trợ có thể là sinh kế của cộng đồng, người dân; sức khoẻ, an ninh lương thực và nguồn nước; cơ sở hạ tầng; hệ sinh thái và các dịch vụ có liên quan. Ngoài lĩnh vực công, lĩnh vực tư nhân cũng có thể tiếp cận nguồn GCF.

Để tạo điều kiện cho các nước sẵn sàng tiếp cận nguồn vốn, Chương trình hỗ trợ chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện dự án cho các Cơ quan thẩm quyền quốc gia (DNA) được thiết lập nhằm thành lập, củng cố DNA; xây dựng, quyết định các chiến lược phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sự tham gia của quốc gia với GCF; thông báo về việc lựa chọn đơn vị xin công nhận lên GCF; thông báo kênh cung cấp của chương trình và đề xuất dự án. Dự kiến Quỹ có thể hỗ trợ đến 1 triệu USD/quốc gia/năm song các ngưỡng hiện tại thì thấp hơn. Khoản hỗ trợ sẽ được điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh điều kiện của quốc gia; phối hợp với các chương trình hỗ trợ sẵn sàng khác.

Tính tới nay trên toàn cầu có khoảng 69 DNA và tổng cộng có khoảng 27 yêu cầu tham gia Chương trình chuẩn bị sẵn sàng. Tại Việt Nam, Chương trình Chuẩn bị sẵn sàng tiếp cận Tài chính Khí hậu của GIZ hỗ trợ chính phủ Việt Nam chuẩn bị “sẵn sàng” tiếp cận các quỹ khí hậu toàn cầu như GCF và hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong các hoạt động đảm bảo ‘sẵn sàng’: lựa chọn một cơ quan giữ vai trò là Đơn vị Thực hiện quốc gia (NIE), lựa chọn các phương thức tiếp cận khác nhau.

Tại sự kiện về Quỹ Khí hậu xanh này, các quốc gia đặc biệt quan tâm tới việc tiếp cận nguồn vốn, thời gian xét duyệt hồ sơ dự án, việc phân bổ nguồn lực cho các quốc gia, mối liên hệ giữa GCF với các quỹ hiện tại như Quỹ thích ứng...

Chu Thanh Hương, đưa tin từ Lima, Peru

Các tin khác