Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 12/09/2014
Ngày 10/9/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Đại sứ quán Đan Mạch và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bến Tre.

 Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre và Quảng Nam là hai tỉnh được Chính phủ Đan Mạch tài trợ để triển khai một số chương trình, dự án giúp thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010 – 2015. Riêng Bến Tre, trong giai đoạn này được hỗ trợ số tiền khoảng 140 tỉ đồng. Cùng với tài trợ về vốn, phía Đan Mạch cũng hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, các vấn đề kĩ thuật, xây dựng chính sách.

Kết quả, Bến Tre đã xây dựng được nhiều công trình giúp ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng; xây dựng được một số mô hình canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu; phát triển diện tích rừng ngập mặn; nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ các cấp và nhân dân về ảnh hưởng, nguy cơ của biến đổi khí hậu, cũng như khả năng thích ứng.

Mô hình trồng rừng ngập mặn ở huyện Thạnh Phú 

Ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, đánh giá cao một số mô hình, chương trình mà Bến Tre đã thực hiện, như: xây dựng đê bao phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng kết hợp làm đường giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thí điểm lọc nước giúp biến nước mặn thành nước ngọt; xây dựng một số mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu như tôm – lúa; phát triển một số giống lúa chịu mặn… Các mô hình, chương trình này có ý nghĩa quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu cũng như tạo điều kiện để nâng cao, cải thiện đời sống người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

 Ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (người đứng đầu từ trái qua) đánh giá rất cao những mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bến Tre


Bà Trần Hồng Việt, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, ghi nhận các kết quả Bến Tre đã đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh trong giai đoạn 2016 – 2020, ưu tiên hàng đầu của chương trình là phát triển rừng ngập mặn và xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng (như nuôi tôm quảng canh) cùng với tập trung xây dựng một số công trình giúp ngăn mặn, điều ngọt, tạo điều kiện để nông dân phát triển kinh tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng lưu tâm chia sẻ một số kinh nghiệm nổi bật của Bến Tre như việc chủ động xây nhà tránh trú bão cho người dân; lồng ghép các nội dung thích ứng biến đổi khí hậu với phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong hai ngành nông nghiệp và giao thông; phát triển mô hình trồng rừng gắn với nuôi tôm và giao cho nông dân quản lý…

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Cao Văn Trọng  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết vùng để thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, lấy tình trạng xâm nhập mặn làm đơn cử, nếu không có sự hỗ trợ của trung ương và sự hợp tác với các tỉnh lân cận, một mình Bến Tre không thể giải quyết được vấn đề.

 

Lê Hùng - Khoa Chiến

Nguồn: Monre

 

Các tin khác