Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội qua đánh giá môi trường chiến lược
Ngày đăng: 31/08/2014
Sáng ngày 30/8/2014, tại Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề nghiên cứu tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia đầu ngành về biến đổi khí hậu, môi trường, kinh tế, xã hội và các nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan.

 Theo kinh nghiệm của nhiều nước và các tổ chức quốc tế, ĐMC là một công cụ hữu hiệu để tích hợp vấn đề BĐKH trong quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển. ĐMC giúp phân tích, đánh giá tác động của BĐKH đến các quy hoạch phát triển và tác động của các quy hoạch phát triển đến BĐKH; thông qua đó đề xuất các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ cần được tích hợp trong quy hoạch phát triển.

Tiếp cận tích hợp vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua ĐMC là cách tiếp cận mới, đây được coi là cách tiếp cận khôn ngoan nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng các biện pháp ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả. Vấn đề này hiện đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu, song phần lớn các nghiên cứu mới chỉ đưa ra lý thuyết chung, còn thiếu tính thực tiễn, cũng như chưa đưa ra được công cụ phù hợp để đánh giá tính hợp lý và hiệu quả của việc tích hợp. Chính vì vậy, hội thảo đã tập trung thảo luận về các cơ sở phương pháp luận cho việc tích hợp vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua ĐMC và đề xuất, đánh giá hiệu quả của giải pháp tích hợp này cho tỉnh Thừa Thiên Huế - một trong những tỉnh chịu tác động lớn của BĐKH có tính đặc thù ở Việt Nam.

Phương pháp tích hợp được đề xuất qua 04 bước cơ bản: (1) sàng lọc các quy hoạch cần thực hiện tích hợp vấn đề BĐKH; (2) xác định phạm vi, quy mô tương tác giữa BĐKH và quy hoạch; (3) tích hợp vấn đề BĐKH vào lập báo cáo ĐMC; (4) giám sát việc thực hiện tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch phát triển. Nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh tới việc sử dụng phương pháp trọng số không cần bằng như một công cụ để đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH. Trên cơ sở kết quả tính mức độ tổn thương cho thấy sự hợp lý của việc sử dụng phương pháp và tạo cơ sở khoa học cho việc tích hợp, đồng thời đây cũng là công cụ hiệu quả để đánh giá sự thành công hay tác động của việc tích hợp đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Về khả năng ứng dụng nghiên cứu tích hợp vào thực tiễn, hội thảo tập trung thảo luận sâu về các giải pháp tích hợp vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển kinh - tế xã hội thông qua ĐMC khả thi cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua phân tích và thảo luận về các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố BĐKH ở tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy: ở điều kiện hiện tại mức độ tổn thương đối với phát triên kinh tế - xã hội ở mức cao, số lượng các huyện ở mức tổn thương cao nhất là 7/9 huyện, đồng thời cũng là những huyện tập trung đông dân và có mức phát triển kinh tế cao; trong khi theo các đề xuất về giải pháp xem xét vấn đề BĐKH trong các bước của ĐMC thì mức độ tổn thương của toàn tỉnh sẽ giảm xuống thấp, số lượng các khu vực có mức độ tổn thương rất cao chỉ còn lại 4/9 huyện. Phát triển kinh tế - xã hội và BĐKH là những quá trình tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai, nếu không tích hợp vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì các nỗ lực phát triển có thể bị cản trở hoặc giảm hiệu quả.

Ngoài việc đề xuất một quy trình tích hợp, sử dụng công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH để đánh giá hiệu quả và tác động của việc tích hợp vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển của địa phương như tỉnh Thừa Thiên Huế, nghiên cứu và thảo luận được đưa tại hội thảo cũng là những định hướng, cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình thực hiện tích hợp vấn đề BĐKH vào quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, tỉnh/thành phố.

Việc thúc đẩy áp dụng ĐMC để tích hợp vấn đề BĐKH trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển ở Việt Nam là hết sức quan trọng nhằm góp phần đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh để phát triển bền vững đất nước./.

 Tin: Cổng TTĐT

Ảnh: Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Huế

 

Các tin khác