Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển vùng ở Việt Nam: Thiếu cơ chế phối hợp và tư duy quản lý
Ngày đăng: 12/08/2014
Biến đổi khí hậu với các tác động trực tiếp lên cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế, dịch vụ và các khu định cư của con người, có thể làm trầm trọng thêm những thách thức của đô thị hóa. Theo Báo cáo đánh giá lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, ước tính vào năm 2050, hơn 1 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp ở Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của xói lở bờ biển và mất đất do mực nước biển dâng. Lũ lụt là một trong những thảm họa tốn kém nhất và gây thiệt hại lớn nhất mà các nhà quy hoạch và người dân đô thị ở Việt Nam phải đối mặt.

 Thiếu cơ chế phối hợp

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc: Có một số thách thức quan trọng trong quá trình lồng ghép các nội dung biến đổi khí hậu trong quy trình quy hoạch phát triển của ViệtNam. Khung pháp lý và chính sách về lồng ghép biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển chưa đề cập đến quy hoạch vùng. Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm lập, thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và lồng ghép biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch hiện có. Mặc dù Luật Quy hoạch đô thị xem xét biến đổi khí hậu thông qua các quy định về đánh giá môi trường chiến lược nhưng Luật này không bao gồm quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, trong khi Luật Xây dựng đề cập đến quy hoạch vùng thì lại chưa có những quy định trong ngành xây dựng về việc lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy trình quy hoạch và hoạch định chính sách ở cấp vùng.

Bản chất liên ngành của các vấn đề biến đổi khí hậu cũng như sự mâu thuẫn về lợi ích của các bên liên quan khác nhau gây ra khó khăn trong quá trình hài hòa lợi ích của các bên. Ở ViệtNam, các chính sách và trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu thường gắn liền với những ngành liên quan đến môi trường, dẫn đến thực tế là biến đổi khí hậu chưa được các ngành khác xem xét đầy đủ. Các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của từng ngành, trong khi vẫn còn thiếu các cơ chế phối hợp giữa các ngành trong lĩnh vực này.

Một số vấn đề về biến đổi khí hậu đòi hỏi sự cam kết và hành động ở cấp vùng, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong việc quản lý và thực hiện các quy hoạch vùng. Các quy hoạch vùng đang được xây dựng với tư duy về trách nhiệm cụ thể của từng tỉnh chứ không phải với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong cùng một quy trình. Do đó, vẫn chưa đi đến một kế hoạch đầu tư để huy động các nguồn lực nhằm thực hiện những nỗ lực chung trong phát triển vùng bền vững. Trong nhiều trường hợp, các giải pháp công trình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu được áp dụng trong một đơn vị hành chính, nhưng chưa xem xét ảnh hưởng đối với toàn vùng, dẫn đến sự gia tăng rủi ro thiên tai cho các khu vực khác trong vùng. Thực tế là mỗi tỉnh chỉ tập trung vào các tác động, giải pháp trong địa giới hành chính của mình nên đã bỏ qua các cơ hội phát triển kinh tế dựa trên những nguồn lực đa dạng, đồng thời hạn chế việc thực hiện các sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu trong sự hợp tác với các tỉnh trong vùng. Điều này cho thấy những thách thức về thể chế cần được giải quyết thông qua đổi mới phương pháp luận quy hoạch vùng và những thay đổi trong cơ cấu quản trị địa phương.

Từ tư duy quản lý cục bộ địa phương sang tư duy hệ thống

Chìa khóa thành công cho sự phát triển của một vùng là khả năng sáng tạo của vùng. Bởi vậy, Tiến sĩ Quang cho rằng, để khuyến khích sự sáng tạo cần tăng cường nguyên tắc về "quản trị địa phương sáng tạo". Cách tiếp cận "quản trị địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu" cần được xem xét và áp dụng. Điều quan trọng là thúc đẩy cơ cấu quản trị linh hoạt và có sự tham gia của các bên liên quan, chuyển đổi từ tư duy quản lý cục bộ địa phương sang tư duy hệ thống.

Những thách thức mới này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong khung thể chế quy hoạch vùng hiện tại. Đầu tiên cần có một Ban điều phối phát triển vùng với sự hỗ trợ của một Trung tâm nghiên cứu phát triển vùng, để cung cấp thông tin cập nhật và đáng tin cậy cho tất cả các bên liên quan cùng ra quyết định, đồng thời điều phối và tổ chức các đối thoại chính sách về các vấn đề quan trọng trong phát triển vùng. Các nội dung về biến đổi khí hậu có thể là khởi đầu cho các đối thoại chính sách ở cấp vùng. Ban điều phối phát triển vùng có thể chủ trì việc lập và cập nhật thường xuyên quy hoạch chiến lược phát triển vùng gồm 3 hợp phần chính.

Khung chiến lược phát triển vùng cung cấp tầm nhìn chung và định hướng chiến lược cho sự phát triển bền vững của vùng. Các chiến lược phát triển vùng là các giải pháp chiến lược phát triển vùng, sự phân bố không gian tối ưu của các hoạt động kinh tế, xã hội trong vùng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch đầu tư đa ngành cho phát triển vùng bao gồm danh sách các dự án đầu tư xây dựng ở cấp vùng, được thực hiện bởi các bên liên quan với sự điều phối của Ban điều phối phát triển vùng.

Quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cần được thực hiện ở các cấp độ khác nhau, đặc biệt ở cấp vùng do quy hoạch vùng cho phép liên kết giữa các quy hoạch ngành và các dự án cũng như giữa các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội và không gian, mà thông qua đó có thể thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu. Các chiến lược thích ứng cần được xây dựng ở nhiều quy mô khác nhau như hộ gia đình, tỉnh, đô thị và vùng, đặc biệt chú trọng đến sự trong tác giữa các tỉnh thành trong vùng.

Minh Nguyệt

Nguồn : monre

Các tin khác