Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Bà Rịa – Vũng Tàu: Bảo vệ vùng bờ và cửa sông, cửa biển ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 07/08/2014
Bà Rịa – Vũng Tàu (BR – VT) là một trong những địa phương chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là các vùng cửa sông, ven biển. Do đó, ngoài tập trung vùng trọng yếu để thích ứng với BĐKH, BR - VT đang có những biện pháp bảo vệ vùng bờ và các cửa sông, cửa biển.

 Hiện nay, BR-VT đang phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển nghiêm trọng. Một trong các biểu hiện của BĐKH là hiện tượng nước biển dâng cao - hậu quả tăng nhiệt độ làm bề mặt trái đất nóng lên do phát thải khí nhà kính. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của tỉnh, dự báo đến năm 2020 nước biển dâng 10-11cm sẽ có 8,33% diện tích bị ngập. Các năm về sau, nước biển sẽ càng dâng cao hơn. Dự báo đến năm 2100 nước biển sẽ dâng 43-59cm.

Dự báo của Sở TN-MT tỉnh, nếu mực nước biển dâng cao, tình trạng xói lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng thì diện tích đất tự nhiên sẽ giảm, các hoạt động kinh tế tại BR-VT như nuôi trồng thủy hải sản và nghề đánh bắt ven bờ, các công trình xây dựng, cảng… và cả cộng đồng dân sinh sống ven bờ tại đây sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Do đó, ngoài tập trung vùng trọng yếu, để thích ứng với BĐKH, BR-VT đang có những biện pháp bảo vệ vùng bờ và các cửa sông, cửa biển.
 
Hiện nay, có 3 đề tài nghiên cứu khoa học đang được triển khai và ứng dụng có hiệu quả tại BR-VT. Đó là đề tài “Thử nghiệm một số giống cây xanh chịu mặn ven biển”; “Nghiên cứu sưu tập và gieo ươm một số loài cây gỗ bản địa quý của BR-VT” và “Nghiên cứu tuyển chọn một số loài cây thích hợp tạo cảnh quan cho Núi Lớn - Núi Nhỏ (TP.Vũng Tàu)”. Các đề tài này đã góp phần làm đa dạng sinh học cho vùng ven biển BR-VT trước điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
 
Đề tài “Nghiên cứu, sưu tập và gieo ươm một số loại gỗ bản địa quý của tỉnh BR-VT” được thực hiện vào năm 2011. Từ đề tài này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng vườn ươm, tạo cây giống các loài đạt quy cách, phẩm chất cho trồng rừng, trồng vườn. Trong thời gian thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đề tài đã điều tra và sưu tầm được 20 loài cây gỗ thuộc 7 họ và 6 bộ có giá trị kinh tế và sinh thái cao của tỉnh BR-VT, điển hình như: Cẩm lai Bà Rịa, vên vên, dầu cát, dầu song nàng...
 
Theo Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh BR - VT, đây là đề tài nghiên cứu có ý nghĩa kinh tế, sinh thái cao nhằm nghiên cứu, sưu tầm và gieo ươm các loài cây gỗ bản địa quý. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thành công, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã tiếp tục xây dựng và thực hiện vườn mẫu sinh vật cảnh (tại xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) để ươm trồng hơn 200 cây gỗ quý.
 
Ngoài việc bảo tồn đa dạng các loại cây gỗ bản địa quý, Sở KH-CN đã nghiệm thu đề tài về các giống cây xanh có khả năng chịu mặn ven biển để tạo cảnh quan và giữ cát. Vũng Tàu là thành phố du lịch có nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp nhưng gió biển mang theo muối đưa vào đất liền trong suốt 6 tháng mùa khô, cộng với khí hậu ngày càng khắc nghiệt do BĐKH đã làm cho các chủng loại cây xanh dọc theo bờ biển không thể phát triển tươi tốt.
 
Biến đổi khí hậu gây sạt lở bờ biển, ảnh hưởng đến kinh doanh du lịch
 
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu đề tài “Cây xanh chịu mặn ven biển”, trong số 36 giống cây và 3 giống cỏ ở các đảo ven biển trên thế giới có điều kiện tự nhiên như ở Vũng Tàu, sau khi thử nghiệm chỉ có 6 giống cây và 1 giống cỏ phù hợp trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng Bãi Sau (Vũng Tàu). Đặc biệt, giống cỏ lông heo có khả năng chống chịu được điều kiện khắc nghiệt ở Bãi Sau, vừa tạo thành thảm phủ đất trống, vừa chống cát bay và làm đẹp cảnh quan.
 
Bên cạnh vành đai ven biển thì khu vực Núi Lớn - Núi Nhỏ cũng được xem như tấm bình phong che chắn, bảo vệ cho cư dân TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, có đến hơn ½ diện tích tại Núi Lớn - Núi Nhỏ đất trọc trơ sỏi đá, không đáp ứng yêu cầu về phòng hộ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vì vậy, “Nghiên cứu tuyển chọn một số loài cây thích hợp tạo cảnh quan cho Núi Lớn - Núi Nhỏ” với các loài cây trồng phủ xanh phổ biến như: keo lá tràm, keo tai tượng, bằng lăng, tếch, giáng hương... đã che bớt những khiếm khuyết đó.
 
Bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, hiện nay địa phương cũng đã thử nghiệm thành công nhiều giống cây có khả năng chịu mặn ven biển như: Chiêu liêu, cẩm liên, cẩm lai Bà Rịa, vên vên, sến mù... Địa phương đang tiếp tục nghiên cứu và tuyển chọn các loại cây đáp ứng được tiêu chí đa dạng sinh học và nhanh chóng xác định tập đoàn cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của BR-VT.
 
Ngoài 25 chủng loại cây xanh có khả năng chịu mặn ven biển đã được nghiên cứu, ứng dụng, Hội Sinh vật cảnh tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu 25 chủng loại nữa để phủ xanh các đồi cát. Đặc biệt, Hội đang xây dựng đề án “1 triệu cây xanh” nhằm ứng dụng rộng rãi 3 đề tài đã được nghiên cứu, bảo vệ môi trường của tỉnh, giảm thiểu ô nhiễm khí thải, tái tạo hệ sinh thái cây trồng ở các khu vực đất đai nghèo dinh dưỡng và chua mặn.
 
Phạm Thu Hà
Nguồn : tainguyenmoitruong.com.vn
Các tin khác