Tin tức / Tin Dự án - Hợp tác quốc tế
Khai nước nguồn nước thời biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 14/04/2014

Biến đổi khí hậu gia tăng khiến chúng ta phải thay đổi cách khai thác nguồn lợi từ nước, nhằm hạn chế tác hại và sử dụng triệt để lợi ích.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán, quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm do thiếu nguồn bổ sung.

Thực tế, đồng bằng Cửu Long là vùng đất thấp của Việt Nam và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, sớm nhất của biến đổi khí hậu. Từ nhiều năm qua, thời tiết vùng này biến động thất thường. Mùa khô nắng nóng gay gắt, nước biển sớm xâm nhập vào đất liền. Trong khi đó, mùa lũ kéo dài, đôi khi còn xuất hiện bão – điều trước đây hiếm xảy ra. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về việc sử dụng nguồn nước một cách toàn diện, tính đến sự liên kết giữa các quốc gia có chung nguồn nước, đồng thời tính toán đến việc thích nghi với sự thay đổi nguồn nước do biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Mê Kông đang đối mặt với các vấn đề đa biên giới trong việc chia sẻ quyền lợi giữa các quốc gia. Hàng loạt con đập trên thượng nguồn, đồng bằng châu thổ Mê Kông nói chung và ĐBSCL của Việt Nam nói riêng – nằm ở hạ nguồn – đang bị tổn thương nặng nề.

Biến đổi khí hậu không phải là thách thức của riêng đồng bằng sông Cửu Long. Tại Hội nghị Đối thoại toàn cầu về châu thổ lần 2 diễn ra tại TPHCM năm 2013, TS. Ebenizario Chonguica, đại diện Ủy ban lưu vực sông Okavango (châu Phi), cho hay việc phát triển nguồn năng lượng và tưới tiêu gây tác động lớn đến hệ sinh thái, sự thay đổi của dòng chảy gây ra những hệ lụy tích lũy theo thời gian và ảnh hưởng đến cộng đồng trong lưu vực. Đồng bằng Okavango đang đứng trước lựa chọn về sự đánh đổi giữa cân bằng sinh thái, quyền lợi của cộng đồng sống phụ thuộc vào đồng bằng với phát triển kinh tế.

Một đồng bằng khác ở châu Phi là Zamberi cũng đang bị đe dọa bởi các đập thủy điện. Với dự đoán “tồi tệ nhất” của BĐKH đối với 11 quốc gia châu Phi trong đồng bằng Zamberi, TS Richard Beilfuss, Chủ tịch Quỹ Bảo vệ sếu quốc tế, cho rằng các nước cần phải cân nhắc việc đầu tư thủy điện và các công trình khác trên dòng sông.

TS Genevieve Connors, chuyên gia cao cấp về nguồn nước của Ngân hàng Thế giới tại Ấn Độ, cho rằng chính sách chia sẻ quyền lợi cần được đặt ra đối với các nước trong lưu vực và cần đưa ra nhu cầu, trữ lượng nước rõ ràng giữa các nước, đừng suy nghĩ chung chung rằng nguồn nước là vô tận và cùng sử dụng. Hiện nay, việc tranh chấp nguồn nước đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Còn ông Mark Davis, Giám đốc Viện Luật pháp và Chính sách về nguồn nước, Đại học Tulane (Mỹ), cho rằng ngày nay có nhiều vấn đề không còn gói gọn trong một bang hay một đất nước mà mở rộng ra toàn nhân loại, biên giới mở này phải được thừa nhận nếu con người muốn hướng đến sự bền vững cho các đồng bằng và quyền lợi mà chúng mang lại.

Theo Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, việc xây dựng các chiến lược, quyết sách mang tính đa quốc phải xuất phát từ trách nhiệm và sự sẵn sàng của lãnh đạo các nước liên quan để chia sẻ thông thông tin, dữ liệu.

Bảo Minh

Các tin khác