Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng: Thách thức, nhận thức và nguồn lực
Ngày đăng: 18/09/2013
Trên thế giới, việc xây dựng mô hình cộng đồng thích ứng với BĐKH được đánh giá có hiệu quả cao. Các mô hình này, có nhiều lợi ích đã thu hút được cộng đồng cùng tham gia một cách chủ động vào các giải pháp ứng phó với thiên tai và phát triển bền vững mang tính chất dài hạn, chi phí không cao.

Ở nước ta, dân đông, người dân chủ yếu sống trong sự cố kết cộng đồng và mang tính tập thể làng xã, việc áp dụng mô hình này sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng làm thay đổi thái độ nhận thức của người dân, trang bị những kỹ năng, cơ sở vật chất cho cộng đồng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, có những kiến thức cần thiết để chủ động bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Trước hết, cần nâng cao ý thức người dân thay đổi những thói quen, hành vi sinh hoạt, sản xuất đe dọa môi trường sống. Với đồng bào dân tộc thiểu số, cần thay đổi ngay thói quen đốt rừng làm nương rẫy làm giảm hệ thống nước ngầm khiến gia tăng tình trạng hạn hán lũ lụt  vào mùa khô…

Ứng phó với thiên tai dựa vào cộng đồng đã được hiện thực hóa qua phương châm “4 tại chỗ” bao gồm “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư  - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Sự thành công của cách tiếp cận này cho phép kỳ vọng sẽ thành công trong thích ứng biến đổi khí hậu ở nước ta.

Tuy nhiên, tại một hội thảo  mới đây do Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức, các chuyên gia cho rằng, hiện có hai thách thức lớn để mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng được triển khai sâu rộng, đó là nhận thức và nguồn lực.

Theo TS. Nguyễn Phương Loan (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội), công tác truyền thông được xem là một công cụ quan trọng tác động làm thay đổi nhận thức – tác động – hành vi, để con người tự nguyện tham gia vào các hoạt động ứng phó với ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay dù công tác tuyên truyền được tiến hành tích cực, nhận thức về biến đổi khí hậu được nâng cao rõ rệt trong mấy năm trở lại đây song phần lớn người dân mới biết mà chưa hiểu một cách sâu sắc, đầy đủ những vấn đề thuộc bản chất về môi trường và biến đổi khí hậu. Sự hiểu biết của người dân chưa biến thành thái độ, hành vi sống thân thiện với môi trường.

Cần phải truyền thông để người dân thay đổi nhận thức đã ăn sâu trong nếp nghĩ từ nhiều đời này  là thiên tai là hoạt động thiên nhiên, không kiểm soát được. Từ thái độ tích cực ứng xử với thiên tai, người dân mới phản ứng một cách chủ động, có tính khoa học, không ỉ lại vào sự cứu trợ từ bên ngoài.

Có một thực tế hiện nay là nguồn lực cho biến đổi khí hậu tập trung vào nghiên cứu khoa học, xây dựng chính sách, còn rất thiếu cho các dự án thích ứng cụ thể. Đặc biệt, để ứng phó với các hiện tượng tai biến thường diễn ra như hạn hán, lũ lụt… thì công cuộc xã hội hóa nguồn lực và huy động sự tham gia của cộng đồng còn khó khăn.

Bảo Minh

Các tin khác