Tin tức / Tin bảo vệ tầng ô - dôn
Quản lý vòng đời các chất gây nguy cơ suy giảm tầng ozone
Ngày đăng: 28/04/2021
Ngày 28-4, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm về quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon (chất làm suy giảm tầng ozone).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết: Theo ước tính của Tổ chức Khí tượng thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, tổng lượng phát thải các chất Fluorocarbon sẽ tăng lên 72 tỷ tấn CO2 tương đương trong 4 thập kỷ tiếp theo nếu không có các hành động cụ thể, đặc biệt là giai đoạn giữa và cuối vòng đời các chất Fluorocarbon. Lượng phát thải các chất HFC (Hydrofluorocarbon) toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 900 triệu tấn CO2 tương đương lên đến khoảng 2 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Ước tính sẽ có khoảng 6% lượng phát thải khí CO2 liên quan đến việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu ngay cả khi các bên tham gia Nghị định thư Montreal và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với các nội dung đề ra của bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại hội thảo

Cục trưởng Tăng Thế Cường nhấn mạnh, thực tế các chất HCFC (Hydrochlorofluorocarbon) và HFC vẫn còn sử dụng nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia này đang nỗ lực để có các biện pháp loại trừ các chất HCFC theo Nghị định thư Montreal, do đó vẫn có nguy cơ rò rỉ các chất HFC, HCFC ra ngoài môi trường. Hiện nay, song song với việc nghiên cứu phát triển các chất làm lạnh mới gây nóng lên toàn cầu thấp và thay thế cho các thiết bị làm mát cũ, ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến hoạt động thu gom xử lý các chất Fluorocarbon sau khi sử dụng và đây được xem là biện pháp giúp giảm thiểu các chất Fluorocarbon xả ra môi trường để giảm phát thải khí nhà kính góp phần bảo vệ môi trường, tầng ozone. Giải quyết vấn đề phát thải các chất Fluorocarbon bằng phương pháp quản lý vòng đời sẽ góp phần tạo dựng nền kinh tế tuần hoàn và phù hợp với nguyên tắc của Nghị định thư Montreal.

Toàn cảnh hội thảo

Theo thống kê, lượng tiêu thụ HCFC của Việt Nam vào năm 2019 đạt gần 3.600 tấn, năm 2020 là gần 2.600 tấn (giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở). Việt Nam trở thành thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu từ năm 1992; Công ước Viên về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ năm 1994; Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali vào năm 2019 và hiện đang thực hiện kế hoạch quản lý loại bỏ HCFC (giai đoạn 2).

Về biện pháp quản lý các chất Fluorocarbon ở Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam đề xuất, nhà nước cần hoàn thiện văn bản pháp lý và chính sách cụ thể về quản lý các chất HCFC, HFC; có các quy định cho phép việc sản xuất, nhập khẩu sử dụng theo một lộ trình cụ thể để quản lý, hạn chế sử dụng các chất HFC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề cho đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên; tăng cường trang thiết bị cho việc quản lý, thu hồi, tái chế và tiêu hủy môi chất lạnh. Ngoài ra, nhà nước cần thành lập một tổ chức hoặc một bộ phận có đủ trình độ chuyên môn để quản lý các đơn vị sử dụng Fluorocarbon.

Tin, ảnh: LA DUY

Xem nội dung chi tiết cuộc họp: https://www.facebook.com/cucbdkh/videos/934771344024222