Thứ trưởng Lê Công Thành trao đổi với bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam
Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng thảo luận về việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về Thích ứng biến đổi khí hậu (CAS Online). Đây là sự kiện trong khuôn khổ “Năm hành động” của Ủy ban Thích ứng Toàn cầu. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng bà Cora van Nieuwenhuizen, Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước (là thành viên của Ủy ban Thích ứng Toàn cầu) sẽ đồng chủ trì Hội nghị.
CAS Online sẽ diễn ra ngày 25/01/2021 với hình thức trực tuyến để tạo điều kiện cho các bên tham gia một cách tối đa trong bối cảnh hạn chế đi lại hiện nay. Tham dự Hội nghị có các nhà lãnh đạo trên thế giới, các doanh nghiệp hàng đầu, các đối tác phát triển, cộng đồng…. để cùng thảo luận các nội dung và giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu ở các lĩnh vực và khu vực khác nhau; đưa ra Chương trình hành động và giải pháp cho những thách thức cấp bách nhất, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các mục tiêu về thích ứng trước thềm Hội nghị COP26 sẽ diễn ra ngay sau đó trong năm 2021.
Hội nghị sẽ gồm các sự kiện quan trọng như: Phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo tại Trung tâm Thích ứng Toàn cầu, Rotterdam, Hà Lan; các sự kiện, phiên họp cấp cao về giải pháp cho từng lĩnh vực và khu vực (theo chủ đề); đồng thời trao đổi thông tin và nhu cầu của các khu vực khác nhau.
Bên cạnh các sự kiện bên lề quan trọng sẽ được tổ chức tại Groningen và Rotterdam; cũng có nhiều sự kiện bên lề khác được tổ chức ở các nước trên thế giới để thúc đẩy Chương trình nghị sự về thích ứng biến đổi khí hậu.
Được biết, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã chuyển thư của Thủ tướng Hà Lan mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị này. Phía Hà Lan cũng đề xuất, Việt Nam ngoài việc tham dự Phiên toàn thể sẽ tổ chức thêm các sự kiện bên lề với chủ đề về đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo bà Elsbeth Akkerman, phía Hà Lan cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tham gia sự kiện bên lề quan trọng tập trung vào 8 hành động nhằm tăng tốc và mở rộng các giải pháp thích ứng với khí hậu, bao gồm nước, tài chính và các giải pháp dựa trên tự nhiên… Các chương trình hành động này phù hợp với Chương trình nghị sự song phương của hai quốc gia và tạo cơ hội cho sự hợp tác lâu dài giữa Việt Nam – Hà Lan.
“Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để thế giới và các nước thấy được nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Các kinh nghiệm Việt Nam hiện có trong chống hạn và xói lở ở Đồng bằng sông Cửu Long rất nổi bật. Kế hoạch Thích ứng quốc gia vừa được phê duyệt có thể trở thành một phần của Chương trình nghị sự cũng như Nghị quyết 120 và Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long”, bà bà Elsbeth Akkerman cho hay.
Toàn cảnh buổi tiếp
Trao đổi với bà Elsbeth Akkerman, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Hà Lan đã đồng hành cùng Việt Nam ứng phó với BĐKH, đặc biệt là ứng xử với nguồn nước, cũng như sẵn sàng tham gia vào nhiều sáng kiến của Chính phủ Việt Nam về thích ứng BĐKH và tài nguyên nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự vào sự kiện cấp cao của Hội nghị thượng đỉnh về Thích ứng biến đổi khí hậu.
“Về sự kiện bên lề tại Hội nghị với chủ đề liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ TN&MT nhận thấy sự kiện này phù hợp với hoạt động của Liên minh Đồng bằng mà Việt Nam đang được đề nghị làm Chủ tịch; đồng thời cũng là một minh chứng cụ thể cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam thông qua sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan và của cộng đồng, đối tác quốc tế. Vì vậy, Bộ TN&MT sẽ phối hợp trực tiếp, cụ thể với phía Hà Lan để tổ chức sự kiện này hiệu quả, thành công” – Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành, bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam và ông Laurent Umans - Bí thư thứ nhất Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại sứ quán Hà Lan) cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ đã cùng trao đổi về các dự án hợp tác giữa hai bên, như dự án quản trị tài nguyên nước dưới đất và vấn đề sụt lún; dự án điều tra, khảo sát và biện pháp trữ nước ở đồng bằng sông Cửu Long; dự án về địa chất khoáng sản…
Các chuyên gia phía Hà Lan ghi nhận sự chuyển đổi của Việt Nam khi tiếp cận vùng đồng bằng sông Cửu Long ở góc nhìn tổng hợp. Phía Hà Lan cho rằng, cần nhìn nhận vùng đồng bằng này là một thực thể sống để cân bằng giữa nhu cầu và bảo vệ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, Hà Lan và Việt Nam cần tiếp tục phát triển quan điểm này để định hướng vùng đồng bằng sông Cửu Long vượt qua khó khăn, thách thức và phát triển bền vững hơn./.
Tống Minh