Tin tức / 
Vấn đề chưa được thông qua hoặc bị làm yếu đi tại Hội nghị COP25
Ngày đăng: 20/02/2020
Một số vấn đề chưa được thông qua hoặc bị làm yếu đi tại Hội nghị COP25 được nêu ra gồm: Khung thời gian thực hiện, theo dõi và giám sát NDC; Cơ chế thị trường và phi thị trường theo Điều 6 Thỏa thuận Paris; Tổn thất và thiệt hại Dự kiến ban đầu; Kế hoạch hành động về giới; Thích ứng với BĐKH; Về minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó; Tài chính,…

Về khung thời gian thực hiện, theo dõi và giám sát NDC

Các Bên đã thảo luận về dự thảo quyết định về khung thời gian chung đối với việc thực hiện, theo dõi và giám sát NDC của các quốc gia, đây là một bộ phận của Bộ quy tắc thực hiện Thỏa thuận Paris nhằm đảm bảo các cam kết ứng phó với BĐKH trong tương lai sẽ kéo dài 05 năm hay 10 năm. Do chưa được đạt sự đồng thuận của đa số nên sẽ tiếp tục được thảo luận trong năm 2020.

Về Cơ chế thị trường và phi thị trường theo Điều 6 Thỏa thuận Paris

Cơ chế thị trường và phi thị trường là nội dung trọng tâm của COP25 nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia giảm nhẹ phát thải và tạo nguồn lực cho các hoạt động thích ứng với BĐKH. Các điểm chưa thống nhất là làm thế nào để cơ chế này vừa mang tính tự nguyện giữa các quốc gia, đáp ứng đặc thù của mỗi quốc gia song vẫn bảo đảm được sự thống nhất, kiểm soát của COP; làm thế nào để tính toán bù trừ lẫn nhau về nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết trong NDC giữa các quốc gia có đặc thù khác nhau khi tham gia các cơ chế khác nhau để đảm bảo minh bạch, tránh trùng và bảo đảm toàn vẹn về môi trường; việc phân chia kết quả trao đổi tín chỉ các-bon giữa các quốc gia tham gia và đóng góp cho UNFCCC, cho Quỹ thích ứng; việc chuyển tiếp giữa cơ chế CDM và các cơ chế mới từ sau 2020 gọi là Cơ chế phát triển bền vững (SDM); các loại hình áp dụng cơ chế phi thị trường... Cơ chế SDM nếu được thông qua sẽ cho phép các khoản tín chỉ giảm nhẹ phát thải được giao dịch trên một thị trường cac-bon mở, thay thế Cơ chế phát triển sạch (CDM) hiện tại được thành lập theo Nghị định thư Kyoto 1997. Một số quốc gia, bao gồm Úc, Brazil và Ấn Độ, muốn có thể sử dụng các khoản tín chỉ CDM cũ và chưa sử dụng vào trong hệ thống mới SDM. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cho rằng nếu cho phép chuyển đổi tín chỉ CDM thì có thể làm rối loạn thị trường với các khoản tín chỉ giá rẻ, sẽ làm suy yếu tính toàn vẹn của toàn bộ hệ thống. Văn bản dự thảo đề xuất rằng các khoản tín chỉ trong phạm vi Nghị định thư Kyoto có thể được hạch toán theo các cam kết khí hậu cho đến năm 2025 nhưng không được sự chấp nhận của nhiều quốc gia. Đến cuối ngày 15 tháng 12, Chủ tịch COP25 đã quyết định ghi nhận kết quả thảo luận đến thời điểm hiện tại, đề nghị các quốc gia tiếp tục thảo luận, thống nhất tại các kỳ họp sau.

Về Tổn thất và thiệt hại Dự kiến ban đầu

Hội nghị sẽ rà soát, điều chỉnh Cơ chế Vac-xa-va về tổn thất và thiệt hại (WIM), tập trung vào hai nội dung: Cơ chế điều hành và tầm nhìn dài hạn của WIM.

Về Cơ chế điều hành: các Bên thảo luận vấn đề Tổn thất thiệt hại sẽ thuộc thẩm quyền của Hội nghị các bên tham gia UNFCCC (COP) hay của Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận Paris (CMA). Các nước đang phát triển muốn vấn đề đặt dưới sự điều hành của COP. Trái lại, các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, muốn đặt vấn đề dưới sự điều hành của CMA để khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Thỏa thuận Paris thì không còn có trách nhiệm về vấn đề này nữa. Vì vậy vấn đề cơ chế điều hành đã được chuyển để COP26 thảo luận tiếp.

Về tầm nhìn dài hạn: Nhóm các nước chậm phát triển và nhóm các nước đảo nhỏ đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính mới và mang tính bổ sung để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại. Các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ phản đối quyết liệt đòi hỏi này và loại bỏ các câu từ có liên quan đến trách nhiệm đóng góp tài chính của các nước phát triển. Kết quả cuối cùng được thông qua không đề cập đến nguồn tài chính mới và mang tính bổ sung, loại bỏ hoàn toàn trách nhiệm của các nước phát triển trong đóng góp về tài chính; giao nhóm chuyên gia tìm kiếm cơ hội tài chính trong và ngoài khuôn khổ UNFCCC để hỗ trợ xử lý vấn đề tổn thất và thiệt hại; tổ chức các hoạt động để trao đổi về tổn thất và thiệt hại.

Kế hoạch hành động về giới

Dự kiến ban đầu, nội dung này nhằm lồng ghép một cách có hệ thống vấn đề giới vào các chính sách khí hậu thông qua tăng cường năng lực, quản lý và truyền thông; sự tham gia đầy đủ và công bằng của phụ nữ vào các hoạt động của UNFCCC; tăng đại diện nữ tại các cơ quan thực hiện UNFCCC và Thỏa thuận Paris… Qua thảo luận, văn bản cuối cùng chỉ dừng lại nêu bật vai trò của phụ nữ trong thực hiện các quyết định của COP; khẳng định xử lý vấn đề giới là để bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên văn bản không đề cập rõ nguồn lực tài chính để giải quyết các vấn đề giới trong khuôn khổ UNFCCC và Thỏa thuận Paris.

Thích ứng với BĐKH

Nội dung thích ứng với BĐKH không được thảo luận nhiều tại COP25. Các vấn đề thảo luận chỉ tập trung vào:

Kế hoạch hành động chung Koronivia về nông nghiệp tập trung các nội dung về “Cải thiện việc sử dụng chất dinh dưỡng và quản lý phân hữu cơ hướng tới các hệ thống nông nghiệp bền vững và tăng khả năng thích ứng”. Tại các phiên họp, phía Việt Nam đã nhấn mạnh đến tính chủ thể của người nông dân sản xuất nhỏ là nhân tố quan trọng làm nên sự thay đổi, họ phải được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và nâng cao năng lực. Các hành động BĐKH cần được đánh giá tính khả thi, đặc biệt là hiệu quả kinh tế để làm căn cứ lựa chọn các giải pháp (thích ứng và giảm nhẹ). Các công cụ để theo dõi, đánh giá cần phù hợp với từng quốc gia cụ thể;

Báo cáo mới nhất của IPCC về đất đai và BĐKH không nhận được sự đồng thuận của các nước gồm Braxin, Saudi Arabia, Nga, Ai cập, Uruguay… đặc biệt là Braxin do liên quan đến vấn đề lãnh thổ của người dân rừng Amazon;

Mục tiêu toàn cầu về thích ứng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, văn bản cuối giao cho Ủy ban thích ứng BĐKH rà soát cách tiếp cận để các Bên xem xét tại COP27 vào năm 2021.

Về minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó

Việc thảo luận nội dung này không được giành nhiều thời gian tại COP25. Các nước đang phát triển nêu vấn đề minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính và giảm nhẹ phát thải của các nước phát triển trước 2020; yêu cầu cần có đánh giá và hoàn thành trước cuối tháng 3 năm 2020. Nội dung thảo luận tập trung vào mức độ linh hoạt trong báo cáo minh bạch thực hiện NDC và đóng góp tài chính. Các vấn đề này đã không đạt được kết quả cuối cùng và sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội nghị COP26.

Về tài chính

Tại COP25, các nước đang phát triển tiếp tục yêu cầu mạnh mẽ các nước phát triển nâng cao đóng góp tài chính cho ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển; đòi hỏi xác định rõ thiếu hụt về tài chính cho giai đoạn trước 2020 khi các nước phát triển hứa sẽ đạt mục tiêu đóng góp mỗi năm 100 tỷ đô la vào 2020 nhưng chắc chắn không thực hiện được; đòi hỏi có mục tiêu rõ ràng việc đóng góp tài chính từ các nước phát triển đến năm 2025 và năm 2030. Văn bản cuối cùng đã loại bỏ hoàn toàn trách nhiệm đóng góp tài chính từ các nước phát triển cho thực hiện vấn đề tổn thất và thiệt hại; không đưa ra được mục tiêu đóng góp tài chính đến 2025 và năm 2030, sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội nghị COP26.