Tin tức / Tin hoạt động
Rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC)
Ngày đăng: 18/04/2018
Ngày 18/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

Đồng chủ trì Hội thảo có bà Caitlin Weisen, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam; ông Jorg Ruger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Hà Nội; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; các Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Ủy ban Quốc gia về BĐKH gồm GS.TS Mai Trọng Nhuận và GS.TS Trần Thục. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý từ các Bộ ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế.

 

Đoàn chủ tịch

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được các quốc gia thông qua tại COP 21 là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của tất cả các Bên. Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của mỗi Bên tham gia Công ước Khí hậu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia và chuẩn bị thông tin phục vụ Đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2018.

Việt Nam đã khởi động quá trình rà soát cập nhật NDC vào ngày 28/06/2017. Từ đó tới nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan và các đối tác phát triển thực hiện các công việc cần thiết để rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Bộ đã thành lập Tổ công tác rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Bên cạnh đó nhóm tư vấn về giảm nhẹ, thích ứng, tổn thất thiệt hại, đánh giá đồng lợi ích, mô hình đánh giá tác động của các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng đã được huy động, phối hợp với Tổ công tác của Việt Nam rà soát, cập nhật NDC. Cho tới nay, báo cáo ban đầu đối với từng hợp phần của rà soát, cập nhật NDC đã hoàn thành.

“Việc rà soát cập nhật của Việt Nam cho các hợp phần NDC bao gồm việc rà soát, cập nhật Hợp phần giảm nhẹ; hợp phần thích ứng; làm rõ thêm đóng góp của Việt Nam đối với nội dung tổn thất và thiệt hại. Đặc biệt trong lần rà soát, cập nhật NDC lần này, nội dung mới về áp dụng mô hình đánh giá tác động của các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; đánh giá đồng lợi ích cũng được xem xét, nghiên cứu để tổng hợp xem xét đưa vào báo cáo chung về rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Nhân dịp Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân gửi lời cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo các Bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) đã có những hỗ trợ ban đầu cho tiến trình rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn các bộ ngành, các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, các Tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ cho công tác rà soát, cập nhật NDC trong thời gian tới.

Bà Caitlin Weisen, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Weisen, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam đã năng động, tiến bộ và có sự tham gia của người dân trong quá trình rà soát và cập nhật NDC. UNDP tự hào đã làm việc chặt chẽ với tất cả các bên liên quan trong quá trình xem xét và cập nhật NDC, đặc biệt là về các công nghệ và phương pháp để tăng cường các hành động thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính.

Bà Caitlin Weisen cho biết, kể từ hội thảo khởi động vào tháng 6/2017, UNDP đã tập trung hỗ trợ việc tăng cường các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và cách thức kết hợp các lựa chọn đồng lợi ích trong các lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian tới, UNDP đề nghị quá trình xem xét và cập nhật NDC cần thúc đẩy sự tích cực tham gia của khu vực tư nhân. Đồng thời, để đầu tư vào biến đổi khí hậu có hiệu quả cần phải có sự đồng lợi ích giữa phát triển kinh tế xã hội và tính bền vững về môi trường. Và cuối cùng, việc rà soát, cập nhật và thực hiện NDC muốn thành công cần có sự phối kết hợp dữ liệu giữa các ngành và cơ chế minh bạch để theo dõi, điều chỉnh hành động về khí hậu.

Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam hy vọng rằng, các yếu tố và phân tích mới trong bản đánh giá và cập nhật hiện tại của NDC sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị Đối thoại toàn cầu trong khuôn khổ UNFCCC. UNDP mong muốn được tiếp tục hợp tác Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các nhà khoa học, các đối tác phát triển để hỗ trợ Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững và không cácbon. 

Ông Jorg Ruger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Đại diện cho GIZ – một đối tác phát triển đã giúp đỡ nhiều cho Việt Nam trong quá trình rà soát và cập nhật NDC, ông Jorg Ruger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, phía Đức đã và đang hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong thực hiện NDC tại Việt Nam như năng lượng, trồng rừng, hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai… Trong thời gian tới, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục thỏa thuận hỗ trợ Việt Nam rà soát và cập nhật NDC để thực hiện tốt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo 

Tại phiên Hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý đối với báo cáo về nội dung giảm nhẹ và thích ứng trong rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam; hệ thống minh bạch trong giảm phát thải khí nhà kính thực hiện NDC. Phiên buổi chiều, các đại biểu sẽ tập trung góp ý kịch bản phát triển thông thường và kịch bản giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, công nghiệp, chất thải, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất. 

Đại biểu tham dự Hội thảo

Cục BĐKH

Các tin khác