Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Ứng dụng công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp
Ngày đăng: 15/08/2016
Công nghệ nông nghiệp mới vừa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp... Đó là tổng kết của các nhà khoa học, doanh nghiệp và cán bộ quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực cây trồng đến từ 32 tỉnh, thành tại Hội nghị quốc gia về vấn đề trên vừa được tổ chức.

 * Điều kiện sinh thái thay đổi do biến đổi khí hậu

Tham dự hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ 2 với chủ đề “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”, ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng của hạn mặn, GDP ngành nông nghiệp đã rơi vào tình trạng sụt giảm nghiêm trọng.

Các nhà khoa học cho biết, nếu mực nước dâng cao như dự báo thì năm 2030, có khoảng 45% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị nhiễm mặn và năng suất lúa giảm 9%, sản lượng vườn cây ăn trái, thủy sản nước ngọt sẽ bị tổn thất lớn, đời sống người dân ảnh hưởng nặng nề.

Đặc biệt, BĐKH làm thay đổi điều kiện sinh thái dẫn xuất hiện nguy cơ dịch hại mới và làm cho dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.

Trước tình hình đó, các tổ chức, cơ quan ban ngành liên quan, các chuyên gia của các tỉnh, thành trong cả nước đã tiến hành nghiên cứu tìm biện pháp thích ứng và chống lại BĐKH để cải thiện đời sống, kinh tế - xã hội.

* Tiến bộ kỹ thuật nổi bật

Hội thảo đã giới thiệu nhiều kết quả nghiên cứu, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Trong đó, các tiến bộ kỹ thuật nổi bật phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu cho từng vùng, miền.

Trong đó, việc phát triển  13 giống lúa mới có khả năng thích ứng trong điều kiện chịu mặn 3 - 4‰, tính kháng rầy, kháng bệnh đạo ôn, ngắn ngày, năng suất cao có thể thích nghi ở một số tiểu vùng sinh thái trong vùng ĐBSCL được Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho là tiến bộ kỹ thuật nổi bật.

Thành tựu nghiên cứu này nhắm vào nhu cầu thị trường, điều kiện thích ứng BĐKH và tính chống chịu sâu bệnh đã được nhanh chóng đưa ra khảo nghiệm và sản xuất tại nhiều địa phương.

Cùng với đó, Viện Lúa ĐBSCL còn đưa ra một số giải pháp kỹ thuật như cải tiến giống, gốc ghép mới chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường như khả năng chịu phèn, chịu hạn, chịu mặn, chống chịu bệnh thối rễ.

* Tái cơ cấu ngành trồng trọt

Không phủ nhận công nghệ giống lúa đạt nhiều thành tựu và tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân tăng năng suất và sản lượng lúa; nhưng ý kiến tham luận về phát triển lúa gạo trong bối cảnh BĐKH và hội nhập ở nước ta của PGS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) ông cho rằng: Phát triển lúa gạo đang đối mặt với thách thức to lớn về BĐKH, cạnh tranh về đất đai với công nghiệp, đô thị và giao thông. Canh tác quá mức với việc thâm canh, tăng vụ làm cho suy giảm sức SX của đất, ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.

Thêm nữa sản xuất lúa gạo mang lại lợi nhuận thấp nên gần như không có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa. Gạo từ năm 2011 đến nay có hướng đi xuống, giá bán thấp nhất. Do vậy, chúng ta cần suy nghĩ có nên sản xuất nhiều gạo không.

* Áp dụng các thành tựu nghiên cứu

Theo VAAS, kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong 3 năm 2013 - 2015, về nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng đáng chú ý là bảo tồn tài nguyên thực vật, bảo tồn ngồn gen đang lưu giữ 38.344 mẫu giống.

Trong đó lưu giữ an toàn 28.791 mẫu giống cây có hạt, hơn 2.092 mẫu giống cây trồng sinh sản vô tính, 163 mẫu giống cây ăn quả, 787 giống khoai môn sọ, cỏ ngọt, 133 mẫu giống dâu tây, khoai tây cùng với hơn 6.120 mẫu giống của các gen cây ăn quả, cây lưu niên, cây công nghiệp, nấm, hoa, cây cảnh…

Trong công nghệ nuôi cấy mô tế bào, VAAS đã hoàn thành một số quy trình nuôi cấy mô tế bào, kỹ thuật nhân giống mía sạch bệnh quy mô công nghiệp, quy trình phục tráng và canh tác các giống khoai môn… đã được vào áp dụng sản xuất tại các địa phương.

Trong nghiên cứu chuyển gen thực vật, nghiên cứu chọn tạo giống lúa kháng bệnh đạo ôn, nghiên cứu về gen chịu hạn cho cây ngô, bước đầu thu nhận được 25 dòng sắn chuyển gen, nghiên cứu khả năng chịu hạn của cây đậu tương.

K.Linh

Nguồn: Monre
Các tin khác