Tin tức / Tin hoạt động
Việt Nam: Tiếp tục nâng cao vai trò của địa phương trong công tác ứng phó với biến đổi khi hậu
Ngày đăng: 20/03/2014
Sáng 20/3, Trung tâm Công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu thuộc Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo báo cáo tổng kết dự án “Đánh giá kinh nghiệm của địa phương trong hoạt động xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu; Ông Stephen Tyler, Cố vấn cấp cao, Viện nghiên cứu Chuyển đổi Môi trường và Xã Hội (ISET Việt Nam);  đại diện lãnh đạo Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường, đại diện lãnh đạo Trường Đại học khoa học tư nhiên Hà Nội, cùng các chuyên gia và nghiên cứu viên của dự án.
 
 
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Phương Nam, cán bộTrung tâm công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, cho biết: Với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller, Hoa Kỳ, dự án “Đánh giá kinh nghiệm của địa phương trong hoạt động xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” được thực hiện ở 9 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Nam, Bến Tre, Cần Thơ, Bình Định, Huế, Sơn La, Lào Cai, Hà Nội, Kon Tum từ năm 2009. Dự án đã tập trung vào việc nghiên cứu, đánh giá những kinh nhiệm ban đầu của chính quyền địa phương trong hoạt động xây dựng kế hoạch hành động (KHHĐ) ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2010-2013.
 
Qua nghiên cứu cho thấy, KHHĐ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2013 của các địa phương đã cơ bản góp phần vào việc thực hiện công tác quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức cho các ban, ngành, đoàn thể về ứng phó BĐKH.
 
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều điểm hạn chế của KHHĐ ứng phó với BĐKH của các địa phương như hầu hết các địa phương còn thiếu sự phối hợp/lồng ghép KHHĐ với các quy hoạch, kế hoạch khác của địa phương, thiếu kinh phí thực hiện theo cơ chế phân bổ ngân sách, đặc biệt cho các dự án ngoài quy hoạch chi tiêu công của địa phương, yếu kém trong khả năng đề xuất các giải pháp phù hợp với các dao động khí hậu và tính bất thường của BĐKH, cũng như sự tham gia hạn chế của các nhóm dễ bị tổn thương, chưa có đánh giá rủi ro…
 
Tại Hội thảo nhóm nghiên cứu cũng nêu ra một số kiến nghị nhằm cải thiện chất lượng cho KHHĐ khi Việt Nam có kế hoạch cập nhật KHHĐ ứng phó với BĐKH giai đoạn 2014 -2015. Theo đó, có 8 kiến nghị được đề ra: Bộ TN&MT nên yêu cầu chính quyền địa phương phải nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các khuyến nghị của KHHĐ; Nên có kế hoạch hỗ trợ tổng hợp thông tin về BĐKH và KHHĐ từ nhiều nguồn khác nhau và khuyến khích việc cung cấp rộng rãi cho công chúng;  Có kế hoạch nghiên cứu phát triển bộ các chỉ số đánh giá về khả năng thích ứng với BĐKH của địa phương và sớm ban hành; Chia sẻ các kinh nghiệm tốt đã được vận dụng bởi một số chính quyền địa phương ở Việt Nam nhằm để nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực trong cả nội dung chuyên môn và qui trình thủ tục thực hiện; Hướng dẫn làm rõ về nội dung phân tích các giao động khí hậu tính bất thường của BĐKH và dự đoán quy luật các sự kiện thời tiết cực đoan; Hướng dẫn tiêu chí lựa chọn đơn vị tư vấn kỹ thuật có đủ năng lực soạn thảo KHHĐ; quy trình tham gia phối hợp/ cung cấp thông tin các bên liên quan trong quá trình lập/cập nhật KHHĐ; Làm rõ vai trò của UBND tỉnh/thành phố trong việc lên kế hoạch, điều phối, và thực hiện các dự án thích ứng; đào tạo và nâng cao năng lực về BĐKH và cách thực hiện việc cập nhật KHHĐ cho cán bộ chính quyền địa phương, bao gồm UBND, Sở TN&MT, các Sở, Ban, ngành các cấp liên quan và đơn vị tư vấn kỹ thuật.

 

Linh Nga - Monre

Các tin khác