Tin tức / Hội nghị COP các Bên tham gia UNFCCC
COP25 và các cuộc họp liên quan sẽ được tổ chức tại Thành phố Madrid, Vương Quốc Tây Ban Nha từ ngày 02 đến ngày 13/12/2019
Ngày đăng: 22/11/2019
Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước Khí hậu (COP25) có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực đàm phán để triển khai thực hiện Thoả thuận Paris, đồng thời tăng cường các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự kiến Hội nghị lần này sẽ tiếp tục thu hút sự tham gia của các quốc gia đã tham gia và phê chuẩn Thoả thuận Paris, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, nhằm huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào quá trình thực hiện Thỏa thuận.

Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được 195 quốc gia thông qua tại COP21 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực từ tháng 11 năm 2016, là cơ sở pháp lý toàn cầu ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Công ước Khí hậu). Tuy Thỏa thuận đã được thông qua, nhưng nhiều nội dung chi tiết liên quan đến phương thức, quy trình, thủ tục thực hiện các cam kết và mức độ cam kết giữa các quốc gia hiện vẫn đang tiếp tục được thảo luận.

Theo thông báo của Ban Thư ký Công ước Khí hậu, Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước Khí hậu (COP25), Hội nghị lần thứ 15 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP15), Hội nghị lần thứ 2 các Bên tham gia Thỏa thuận Paris (CMA2) và các cuộc họp liên quan khác sẽ được tổ chức tại Thành phố Madrid, Vương Quốc Tây Ban Nha từ ngày 02 đến ngày 13 tháng 12 năm 2019.

Hội nghị COP25 được tổ chức trong bối cảnh các Bên đã thông qua hầu hết các nội dung của Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris (PAWP), gọi là “Bộ quy tắc khí hậu Katowice”, quy định chi tiết cách thức thực hiện Thỏa thuận Paris kể từ năm 2021 trở đi. Tuy nhiên còn một số nội dung chưa được giải quyết tại Hội nghị COP24 cũng như Phiên họp các Ban bổ trợ (SB50) được tổ chức vào tháng 5 năm 2019 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức.

Nội dung chính của COP25 năm nay bao gồm: (i). Thảo luận các nội dung quy định chi tiết về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để NDC có thể theo dõi, đánh giá, so sánh được; (ii). Thảo luận các cơ chế hợp tác theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, bao gồm: cơ chế hợp tác tự nguyện; cơ chế về trao đổi quốc tế các kết quả giảm nhẹ; cơ chế phát triển bền vững; cơ chế phi thị trường; (iii). Thảo luận thông tin đầu vào cần thiết để chuẩn bị cho đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2023; (iv). Thảo luận làm rõ nội dung Khung minh bạch và mức độ linh hoạt áp dụng cho một số quốc gia đang phát triển; (v). Các sự kiện bên lề về nỗ lực của các nhà nước, khối doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm hoạt động vì khí hậu toàn cầu trong thực hiện Thỏa thuận Paris.

Việc tham gia Hội nghị COP25 lần này là dịp để Việt Nam tiếp tục thể hiện quan điểm, bảo vệ lợi ích quốc gia; nâng cao vai trò, vị thế quốc gia; góp phần xây dựng các quy trình, thủ tục, phương thức thực hiện phù hợp với điều kiện và năng lực quốc gia. Đồng thời tham dự Hội nghị COP25 lần này cũng là dịp để Việt Nam nhận biết sớm các xu hướng toàn cầu về biến đổi khí hậu để có chính sách, quy định phù hợp với ưu tiên, điều kiện Việt Nam và xu thế toàn cầu; có thêm thông tin cho việc rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam trình Ban Thư ký Công ước Khí hậu vào năm 2020 và có những bước đi phù hợp, chuyển hoá kịp thời các thách thức biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển.

COP25 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực đàm phán để triển khai thực hiện Thoả thuận Paris, đồng thời tăng cường các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Với ý nghĩa quan trọng đó, dự kiến Hội nghị lần này sẽ tiếp tục thu hút sự tham gia của các quốc gia đã tham gia và phê chuẩn Thoả thuận Paris, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, nhằm huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào quá trình thực hiện Thỏa thuận.

Cục BĐKH

Các tin khác