Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
COP 23: Giữ vững mục tiêu triển khai Thỏa thuận Paris
Ngày đăng: 21/11/2017
Sau 2 tuần làm việc tích cực, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 23 (COP 23) đã bế mạc tại thành phố Bonn (CHLB Đức). Đại diện gần 200 quốc gia đã nhất trí giữ vững cam kết hành động để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và khởi động tiến trình rà soát các kế hoạch quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

  

Đại diện các quốc gia tham dự phiên cấp cao Hội nghị COP 23

 
Sau 2 tuần làm việc tích cực, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 23 (COP 23) đã bế mạc tại thành phố Bonn (CHLB Đức). Đại diện gần 200 quốc gia đã nhất trí giữ vững cam kết hành động để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và khởi động tiến trình rà soát các kế hoạch quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
 

*Thống nhất quan điểm hành động

Đề xuất của Chủ tịch COP 23, Thủ tướng Cộng hòa Fiji Frank Bainimarama đã được hầu hết các quốc gia tham dự thông qua. Hội nghị đã thống nhất quan điểm thúc đẩy các hành động ứng phó BĐKH trên toàn cầu, trọng tâm là nâng cao tham vọng giảm phát thải trong các nỗ lực quốc gia thực hiện Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs), nhằm đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỉ này.

Đề xuất cũng khẳng định, trước mắt là cần đảm bảo các mục tiêu đến năm 2020. Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, thế giới chỉ còn 5 năm để giảm ít nhất  25% lượng khí thải toàn cầu. Đây là nền tảng vững chắc cho giai đoạn bắt buộc cắt giảm phát thải từ sau năm 2020.

Đến nay, đã có 170/197 quốc gia tham gia Công ước khung phê chuẩn Thỏa thuận Paris. Việc soạn thảo bộ quy tắc chi tiết thực thi Thỏa thuận Paris cũng đã đạt được nhiều tiến triển tại COP 23. Dự kiến, vào cuối năm 2018, bộ quy tắc này sẽ ra mắt, qua đó trở thành công cụ thông báo cũng như theo dõi lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của mỗi quốc gia.

Các nước sẽ khởi động tiến trình "Đối thoại Talanoa" từ tháng 1/2018 nhằm xem xét lại các kế hoạch giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là cuộc đối thoại toàn diện, có sự tham gia của tất cả các bên để chia sẻ kinh nghiệm giảm phát thải, tập trung vào các lợi ích cộng đồng và khuyến khích các bên nâng cao mức cam kết trong NDC, tìm kiếm giải pháp với những nguồn hỗ trợ thích hợp.

*Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện Thỏa thuận Paris

Tại phiên cấp cao COP 23, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT VõTuấn Nhân chia sẻ, là một quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang nỗ lực để xây dựng khả năng thích ứng và ứng phó, đặc biệt là đối với những khu vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh 3 quan điểm của phía Việt Nam.

Thứ nhất, các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 có ý nghĩa quan trọng nhằm thu hẹp khoảng trống về phát thải khí nhà kính. Để đạt được mục đích đó, Sửa đổi Doha cần phải có hiệu lực ngay nhằm xây dựng lòng tin và tạo đà để thực hiện các hành động ứng phó với BĐKH theo Công ước và Thỏa thuận Paris trong giai đoạn kể từ sau năm 2020.

Thứ hai, các phương thức và hướng dẫn là điều tối quan trọng cho các Bên thực hiện đầy đủ Hiệp định Paris và cần được giải quyết một cách cân bằng, toàn diện, mang tính kết nối và hỗ trợ lẫn nhau đối với tất cả các trụ cột chính của Thỏa thuận Paris.

Thứ ba, cần nhanh chóng có hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để thực thi các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo rằng chuyển đổi thành công NDC thành hành động thực tế.

Việt Nam đã cam kết sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức cơ sở. Cam kết này đang được cụ thể hóa bằng việc hoàn thiện hệ thống chính sách cũng như các dự án để triển khai Thỏa thuận Paris. Tại COP 23, Việt Nam tiếp tục đưa ra cam kết sử dụng hiệu quả năng lượng sẵn có, phát triển năng lượng sạch nhằm giảm lượng khí thải đồng thời tăng diện tích trồng rừng để hấp thu khí CO2.

Trung Nguyên

Nguồn: Monre

Nn

 

Các tin khác