Tin tức / Tin hoạt động các địa phương
Ban hành Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Ngày đăng: 29/09/2017
Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Ke hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 1684/QĐ-UBND ngày 6/10/2017.

 Thách thức của biến đổi khí hậu tác động đến địa bàn tỉnh Hậu Giang

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Trong đó, đồng bằng Sông Cửu Long là vùng dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Tác động của BĐKH làm gia tăng số lượng và mức độ ác liệt của những thiên tai hiện hữu như bão, lũ, lụt, hạn hán..., tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường, có thể làm cho người nông dân trở nên trắng tay sau nhiều năm lao động vất vả, cực nhọc. Sự nóng lên toàn cầu gây hạn hán kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao, thiếu nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp...và sự dâng lên của mực nước biển làm tăng diện tích ngập lụt, xâm nhập mặn, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực, gây rủi ro lớn đối với ngành công nghiệp, dịch vụ và các hệ thống kinh tế xã hội trong tương lai.

 

Tác động của BĐKH diễn ra ngày càng rõ nét hơn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tình trạng xâm nhập mặn của tỉnh trong nhiều năm trước đây chỉ theo hướng biển Tây theo sông Cái Lớn vào địa phận tỉnh chỉ xảy ra ở một phần diện tích phía nam huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Gần đây, tình hình xâm nhập mặn, sạt lở diễn biến phức tạp và gay gắt. Cuối năm 2015, đầu năm 2016 phạm vi xâm nhập mặn đã mở rộng, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, kéo dài và duy trì ở nồng độ cao từ 10% đến 19,7% (theo 02 hướng: Biển Đông và biển Tây) và trong năm 2016 xảy ra 61 điểm sạt lở và từ đầu năm đến ngày 22/6/2017 đã xảy ra 12 điểm sạt lở. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016 dự báo Hậu Giang là tỉnh có nguy cơ bị ngập nặng nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng năm 2016 thì nền nhiệt độ Hậu Giang có xu hướng tăng 0,7 - 0,8°C trong giai đoạn 2016 - 2035 theo kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp; nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 80,62% diện tích của tỉnh Hậu Giang có nguy cơ bị ngập, trong đó khu vực huyện Long Mỹ - thị xã Long Mỹ là 96,94% diện tích, huyện Phụng Hiệp 94,7% diện tích, thành phố Vị Thanh là 86,8%.

 

Các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Hậu Giang 

Để thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, UBND tỉnh sẽ tập vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Giai đoạn từ năm 2017 – 2020, tập trung thực hiện các nhiệm vụ lồng ghép với các hoạt động ứng phó với BĐKH đã được phê duyệt và các nhiệm vụ mới phù hợp với điều kiện của tỉnh hoặc các nhiệm vụ mang tính bắt buộc đã được xác định tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg. Bao gồm: 06 nhiệm vụ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, 20 nhiệm vụ về thích ứng với BĐKH, 03 nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực (con người, tài chính, công nghệ), 01 nhiệm vụ tăng cường chính sách, thể chế.

Giai đoạn từ năm 2021 – 2030, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ- TTg. Bao gồm: 04 nhiệm vụ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, 16 nhiệm vụ về thích ứng với BĐKH), 03 nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực (con người, tài chính, công nghệ), 03 nhiệm vụ tăng cường chính sách, thể chế.

 

Về giải pháp thực hiện, UBND tỉnh sẽ tập trung đồng bộ thực hiện giải pháp về (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH của các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp Nhân dân trong việc chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ chuyên môn, cán bộ lãnh đạo quản lý đối với các hoạt động thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phổ cập toàn dân về các phương án ứng phó với từng cấp độ của quá trình tác động của BĐKH.

(2) Giải pháp về rà soát, điều chỉnh, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, BĐKH và tăng trưởng xanh các quy hoạch ngành, lĩnh vực và trong phê duyệt các chương trình, đề án, dự án đầu tư các cơ chế chính sách phù hợp với mục tiêu của từng giai đoạn.

(3) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và kết cấu hạ tầng theo hướng thích ứng với điều kiện BĐKH. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, BĐKH và tăng trưởng xanh trong phê duyệt các chương trình, đề án, dự án đầu tư. Xây dựng cơ chế phối kết hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan và các địa phương và có cơ chế quản lý chương trình, dự án trong thực hiện kế hoạch. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính và công nghệ thích ứng với BĐKH, các giải pháp khoa học kỹ thuật hiện đại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và biện pháp kỹ thuật canh tác mới phù hợp đặc điểm, điều kiện của tỉnh.

(4) Giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để tăng cường vận động, kêu gọi nguồn vốn ODA cho phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với BĐKH. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương thông qua nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi đầu tư. Đối với nguồn vốn ngoài NSNN: Ban hành cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh việc tham gia thực hiện hợp tác chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực góp phần thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình của Kế hoạch. Khuyến khích và chú trọng thu hút các nguồn NGO, FDI, PPP cho tăng trưởng xanh trong các chương trình giao lưu thương mại, xúc tiến đầu tư của tỉnh. Tiếp tục tập trung các nguồn lực thực hiện các hoạt động, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng BĐKH trong chương trình đã được phê duyệt.

(5) Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, phòng chống ngập úng đô thị trong đó tập trung dự án câp bách chống xâm nhập mặn.

Đối với nhiệm vụ bắt buộc thực hiện tập trung nguồn lực địa phương, hỗ trợ Trung ương theo hệ thống ngành và hỗ trợ quốc tế để hoàn thành đúng thời hạn.

Đối với nhiệm vụ khác, hàng năm cân đối bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương kết hợp từ các nguồn lực khác để thực hiện.

(6) Giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm cơ hôi kêu gọi, thu hút đầu tư. Tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ quan Trung ương, khu vực để tranh thủ sự giúp đỡ trong thực hiện kế hoạch thỏa thuận Paris trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia giao lưu thương mại và xúc tiến đầu tư với các nước trên thế giới trong liên kết, hợp tác chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Xây dựng các chương trình, dự án và tìm kiếm cơ hội kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đối tác tiềm năng để doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thị trường carbon và thúc đẩy áp dụng cơ chế phát triển sạch trong sản xuất.

CTTĐT

Nguồn: Monre

Các tin khác