Tin tức / Tin khoa học công nghệ
Nuôi tôm công nghệ cao – Hướng đi mới cho nông nghiệp thời biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 22/09/2016
Trong khi diện tích trồng lúa bị thu hẹp do xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng, việc chuyển đổi mô hình trồng lúa sang nuôi tôm áp dụng công nghệ cao là một hướng đi mới. Mô hình này từng bước phát huy hiệu quả tại Bạc Liêu.

  

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính

* Giá 1 kg tôm = 20 kg lúa

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính được Tập đoàn Việt - Úc triển khai đầu tiên tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Trên diện tích 500 ha, Tập đoàn này dự kiến sẽ xây dựng 23 nhà kính để thực hiện quy trình nuôi tôm công nghệ cao. Hiện nay 7 nhà kính đã hoàn thành.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc cho biết, mô hình này áp dụng quy trình sản xuất nhà màng của Isarel; công nghệ hệ thống lọc nước tuần hoàn của Đức và Mỹ; công nghệ sản xuất con giống tiên tiến của tập đoàn... Nhờ đó, giảm thiểu được rủi ro, cho nguồn nguyên liệu sạch, truy xuất nguồn gốc từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn... Ngoài ra, do chỉ ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh nên tôm nguyên liệu sau thu hoạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm "không ngại các rào cản kỹ thuật” khi xuất khẩu.

Đặc biệt, với mô hình này có thể nuôi 3 vụ tôm mỗi năm. Năng suất từ đó tăng lên gấp 10 lần so với nuôi tôm thông thường.

Rõ ràng việc chuyển đổi cơ cấu cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ giúp cho nền nông nghiệp thích nghi được với những thay đổi của khí hậu mà không làm giảm mức đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế quốc dân.

Hiện nay, một kg tôm có giá trị bằng 20 kg lúa. Như vậy, nếu mỗi năm Việt Nam tăng thêm khoảng 50.000 tấn tôm đã có giá trị bằng 1 triệu tấn lúa. Chuyển đổi lúa sang tôm ở những vùng nước lợ và đặc biệt ứng dụng các công nghệ cao là một hướng đi cho nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

* Quy hoạch khu nông nghiệp  công nghệ cao tại Bạc Liêu

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 20/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bạc Liêu, một tỉnh thuần nông, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, là một trong những tỉnh khó khăn nhất của ĐBSCL nhưng đã quyết tâm tìm lối ra, chú trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển doanh nghiệp, tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Thủ tướng biểu dương Bạc Liêu đã tìm ra lối đi, cách làm, định hướng khá rõ nét để phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, nhất là phấn đấu trở thành địa phương có sản lượng tôm đứng thứ hai cả nước; bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm; có dự án điện gió công suất trên 100 MW; kêu gọi xúc tiến đầu tư với trên 15 dự án FDI. Bạc Liêu cũng là vùng du lịch tiêu biểu của vùng, với sản phẩm văn hóa đặc thù của địa phương, sản phẩm du lịch miệt vườn sông nước.

“Trong nguy cơ, chúng ta đã tìm ra thời cơ để phát triển Bạc Liêu trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nói.

Cơ bản nhất trí với các kiến nghị của Bạc Liêu, Thủ tướng hoan nghênh đề xuất xây dựng trung tâm sản xuất tôm của Việt Nam ở Bạc Liêu, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam gắn với bảo vệ môi trường. Thủ tướng đồng ý việc quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển tôm Bạc Liêu và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì cùng với các bộ liên quan hỗ trợ tỉnh thực hiện chủ trương này.

Bảo Châu

Nguồn: Monre
Các tin khác